Truy thu thuế VAT từ 2011 đối với thư tín dụng: Chuyện 'lạ' có thật!

Có nên truy thu thuế giá trị gia tăng với hoạt động thư tín dụng?

Lãnh đạo doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng việc tổ chức hồi tố truy thu thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ L/C sẽ gây rất nhiều khó khăn và bất hợp lý cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Sau khi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có quyết định thu thuế giá trị gia tăng từ năm 2011 (10 năm) đối với hoạt động thư tín dụng (L/C) vì cho rằng đây là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã có nhiều ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia, doanh nghiệp, ngân hàng với cơ quan thuế xung quanh vấn đề này.

Không khả thi và bất hợp lý

Thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ.

Theo đó, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo L/C là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế VAT. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2011.

Lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp đều cho rằng văn bản này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các tổ chức tín dụng và chính doanh nghiệp.

[Kiến nghị không truy thu thuế giá trị gia tăng đối với thư tín dụng]

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho rằng quy định trên chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến cả ngân hàng và doanh nghiệp, vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu (thu từ khách hàng). Do vậy, từ nay, khi các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành L/C, các ngân hàng sẽ thu thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp, từ đó làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hùng, mặc dù chưa có sự thống nhất, nhưng hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu từ L/C phát sinh từ ngày 1/1/2011. Chưa kể, việc tổ chức hồi tố thu thuế giá trị gia tăng đối với khoản L/C gây rất nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Do bản chất thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu nên việc “hồi tố,” truy thu thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý.

“Thống kê lại các khoản L/C trong một năm đã khó, chưa nói là 10 năm qua khách hàng của ngân hàng biến động rất lớn, nên việc hồi tố thu thuế giá trị gia tăng các khoản L/C là rất khó khăn, phức tạp,” ông Hùng nói thêm.

Thêm vào đó, với khoảng thời gian từ năm 2011 đến nay đã có rất nhiều thay đổi, có thể nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc đã giải thể, phá sản nên tổ chức tín dụng không thể thu thuế bổ sung được từ khách hàng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đề nghị không truy thu thuế từ 2011 vì nhiều lý do. Nếu thực hiện theo văn bản 1606 của Tổng cục Thuế sẽ có một số tác động bất cập vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, nếu nộp bổ sung các tổ chức phải liên hệ lại với khách hàng, điều này rất không khả thi do nhiều doanh nghiệp không giao dịch hoặc phá sản.

Một điểm nữa, theo ông Bắc, là việc truy thu tạo áp lực và gánh nặng cho ngân hàng trong việc kê khai điều chỉnh thuế. Truy thu thuế, tiền phạt cũng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và ngân hàng trong bối cảnh dịch COVID-19. Các tổ chức tín dụng nếu không thu được của doanh nghiệp phải tự bỏ tiền để thanh toán hoàn thuế... cũng ảnh hưởng đến doanh thu.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là nghiệp vụ ngân hàng nhưng vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu nên cũng sẽ tạo gánh nặng tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp.

Vê phía doanh nghiệp, bà Phạm Bích Hồng, Giám đốc Công ty May 10, chia sẻ việc thực hiện thư tín dụng, nếu như ngân hàng có kê khai thuế để nộp, đến doanh nghiệp lại kê khai để được khấu trừ thuế đầu vào. Rõ ràng, về bản chất, Nhà nước sẽ không gia tăng được nguồn ngân sách từ quyết định này.

Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chung quan điểm đó, bà Trúc Nguyễn, đại diện cho Nhóm Công tác các Ngân hàng nước ngoài, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng kiến nghị không áp dụng thuế giá trị gia tăng trên dịch vụ thư tín dụng, bởi phương thức này phù hợp thông lệ quốc tế được áp dụng trên thế giới hiện nay. 34/37 quốc gia trong khu vực OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đều không tính thuế giá trị gia tăng trên thư tín dụng.

Hơn nữa, theo bà Trúc Nguyễn, đối với ngân sách Nhà nước, thuế giá trị gia tăng sẽ không ảnh hưởng gì về tổng quan, vì thuế giá trị gia tăng trên nguyên tắc cấn trừ đầu vào và đầu ra, do đó tạo ra một loại thuế sẽ là gánh nặng cho ngành ngân hàng và toàn nền kinh tế.

Cần có sự thống nhất và đúng luật

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho hay thu thuế giá trị gia tăng với L/C là vấn đề khó khăn khi nhận thức của các bên chưa thống nhất. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, L/C là hoạt động lưỡng tính, vừa mang tính chất tín dụng và thanh toán. Ngay cả quốc tế khi giới thiệu sản phẩm này ra trên thị trường thanh toán quốc tế đều dùng từ "credit" - không phải "payment". Vì vậy, đây là thư tín dụng, không phải thư thanh toán.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chia sẻ, từ thực tiễn có thể thấy hoạt động của ngân hàng chủ yếu ở 3 hoạt động: Tiền gửi, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán. Trong 3 hoạt động trên thì chỉ có cung ứng dịch vụ thanh toán là phải nộp thuế.

Dịch vụ thanh toán cũng chia ra là thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế và chỉ khác nhau ở việc nói rõ các hình thức cụ thể. "Nếu mà nói như trên thì không thể quy ngay thư tín dụng là hình thức dịch vụ thanh toán mà chỉ là một phương thức công cụ trong đó," bà Yến nhấn mạnh.

Cũng theo bà Yến, Vietcombank đã có khảo sát cho thấy hiện tại khách hàng giao dịch với ngân hàng qua các biểu phí và như thế việc giao dịch với khách hàng sẽ khó hơn, việc giải thích bổ sung thuế giá trị gia tăng cho khách hàng là không khả thi.

Vì vậy, theo bà Yến, các cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong phương thức L/C mà tổ chức tín dụng đóng vai trò ngân hàng phát hành thư tín dụng thuộc hoạt động cấp tín dụng (không phân biệt trường hợp khách hàng không ký quỹ/có ký quỹ đủ hoặc không đủ 100% giá trị L/C). Các khoản phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Còn luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: "Thu thuế với L/C, nếu nói một cụm L/C thì vừa đúng luật vừa trái luật. Đúng với phần dịch vụ thanh toán và sai với phần tín dụng, trong khi đó L/C là thư tín dụng. Mặc dù khái niệm cơ bản vẫn còn nhiều rắc rối, chúng ta nên bóc tách nghiệp vụ và giải quyết. Ngành thuế và ngân hàng cần ngồi lại cùng nhau và bóc tách ra, cái gì thu cái gì không cho rõ ràng."

Đại diện ngành Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Nếu nói năn bản số 1606 của Tổng cục Thuế yêu cầu các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C bất kể có bảo lãnh hay không có bảo lãnh đều phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011 là chưa đúng. Ông Phụng cho rằng quá trình rà soát việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng và các pháp luật liên quan đối với nghiệp vụ thư tín dụng cho thấy sự không thống nhất trong nhận thức cũng như thực thi. Cơ quan thuế, ngân hàng mỗi nơi thực hiện một khác. Do đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương rà soát xem các ngân hàng đang thực hiện như thế nào để hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định pháp luật.

“Hiện tại, cơ quan thuế và các ngân hàng đang cùng nhau xem lại, phần nào gắn với tín dụng thì khoanh lại không phải nộp, phần nào gắn với thanh toán thì nộp thuế giá trị gia tăng,” ông Phụng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục