Có nên phân cấp bến, cảng, luồng tuyến đường thủy giao cho địa phương?

Có nên phân cấp bến, cảng, luồng tuyến đường thủy cho địa phương?

Để phát huy hiệu quả giao thông đường thủy nội địa với đặc thù là các tuyến sông mang tính liên vùng, liên tuyến thì cần có công tác tổ chức quản lý một cách khoa học và hợp lý.
Có nên phân cấp bến, cảng, luồng tuyến đường thủy cho địa phương? ảnh 1Phương tiện vận tải thủy trên kênh xáng Xà No, đoạn qua thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đều đánh giá tiềm năng giao thông đường thủy nội địa còn rất nhiều nhưng mức đầu tư chưa tương xứng, trong khi đó mô hình phân cấp, phân quyền quản lý cảng, bến luống tuyến đường thủy cũng còn những bất cập, hạn chế.

Tại buổi tọa đàm “Quản lý giao thông đường thủy nội địa-Khó khăn và giải pháp” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vào chiều tối ngày 31/5, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận đầu tư cho hệ thống sông và đường thủy rất thấp, chính vì rẻ nên mức đầu tư vào lĩnh vực này trong tổng số vốn đầu tư công những giai đoạn vừa qua chỉ chiếm 1,7-2,2%.

Mặt khác, ông Vân nhấn mạnh giao thông thủy nội địa có những ưu điểm như chi phí vận tải thấp hơn so với các loại hình khác như: Hàng không, đường bộ, đường sắt; giảm được ách tắc giao thông, nhất là những cửa ngõ kết nối giữa giao thông đường thủy và đường bộ; giảm tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường.

“Trong một thời gian dài chúng ta chưa khai thác, tận dụng tốt những lợi thế trên. Vốn đầu tư cho giao thông đường thủy nội địa cần tăng định mức khoảng 5% thì loại hình này mới phát huy hiệu quả. Có như vậy, mới mong có giải pháp đồng bộ để kích hoạch kênh lưu thông quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển,” ông Vân nói.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện ủy quyền công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa cho một số địa phương như: Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung… tạo sự chủ động cho các địa phương trong thực hiện, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn giao thông; giảm bớt gánh nặng công việc cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận trong quá trình thực hiện còn tồn tại, vướng mắc về pháp luật, đặc điểm, nguồn lực của địa phương, một số địa phương không thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa đã đề nghị Bộ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa địa phương như Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh....

[Nhiều cơ chế ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy]

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định cơ quan quản lý Nhà nước đã phân cấp rất rõ, những tuyến liên tỉnh và tuyến trọng điểm là Trung ương quản lý. Hệ thống đường sông trong nội tỉnh là do tỉnh quản lý.

Tuy nhiên, ông Nhưỡng cũng chỉ ra thực tế hiện có địa phương quản lý không nổi 50% phần mà Trung ương đã quy định vì biên chế không có đủ, không quản lý được từ khảo sát, cấp các loại giấy phép, thanh tra. Các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hải Phòng hay các tỉnh khác như Đồng Nai... đang tồn tại rất nhiều loại bến không phép, bến quá hạn.

“Quản lý được thì phải có đầu tư kinh phí. Mỗi tỉnh đầu tư thì lấy đâu ra tiền để thực hiện? Việc giao cho tỉnh quản lý thì các tỉnh sẽ phải quy định thu phí vận tải như thế nào? Mỗi tỉnh lại một kiểu khác nhau. Mỗi một lần xuất bến, mỗi một lần vào bến, đi qua địa bàn lại phải tiếp tục làm một thủ tục nữa sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp,” ông Nhưỡng nói rõ những bất cập của việc quản lý giao thông đường thủy nội địa khi giao về từng địa phương.

Ông Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng để giao quyền quản lý về vận tải đường thủy cho các tỉnh phải tiến hành khảo sát, điều tra một cách đầy đủ, toàn diện, cẩn trọng. Số liệu cho thấy trong thời gian vừa qua, các tỉnh thực hiện được khoảng 40% nhiệm vụ được giao.

“Nếu giao cho các địa phương khác chính là đẩy họ vào thế rủi ro, phải đảm trách một công việc mà họ không đủ nguồn lực, công nghệ, vốn đầu tư. Tỉnh nào cũng nhận nhiệm vụ đầu tư thì với 63 tỉnh, thành sẽ lấy kinh phí từ đâu? Nhu cầu về ngân sách hiện nay để đầu tư vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao đang rất lớn, do vậy xét trên phương tiện đầu tư, việc này là không hợp lý,” ông Thọ phân tích.

Nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền quản lý lĩnh vực đường thủy nội địa là cần thiết, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề cần có yêu cầu xác định rõ phân cấp cho từng cấp, từng khu vực một. Phân cấp cần cho ai, thời gian, con người, tổ chức bộ máy như nào?

“Bộ Giao thông, Vận tải cần ban hành thông tư, hướng dẫn thực hiện việc phân cấp quản lý đường thủy nội địa cho rõ ràng, rành mạch và cũng phải lấy ý kiến của địa phương đồng thời cốt lõi vẫn là nên mạnh dạn giao quyền cho địa phương, nếu tỉnh, thành đó đủ thực lực, nhân lực và kinh nghiệm quản lý,” ông Hòa kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục