Chiều 12/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Cùng dự tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan…
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Đây là một trong những dự án luật hết sức quan trọng, tác động không chỉ đến ngành y tế, đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn có tác động rất sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.
Đây cũng là một trong những dự án luật khó, sau tác động rất nặng nề của dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều vấn đề về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các vấn đề liên quan đến tài chính y tế...
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, sau Kỳ họp thứ 3, với ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và với kết quả nhiều cuộc tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia do Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội thực hiện, chất lượng dự án luật đã được nâng lên.
Tuy nhiên, dự án luật cũng còn các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm. Đó là vấn đề cấp giấy phép hành nghề, các chức danh nghề nghiệp trong ngành y; cách thức tổ chức đánh giá năng lực hành nghề; việc sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám bệnh và chữa bệnh, làm sao để nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh đối với các chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài hành nghề y tại Việt Nam, nhưng mặt khác phải bảo đảm hội nhập quốc tế thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh và chữa bệnh…
Ngoài ra, qua dư luận xã hội, qua ý kiến của cử tri, nhân dân cũng như cán bộ, nhân viên trong ngành y tế, những cơ sở khám-chữa bệnh, lãnh đạo của cơ sở khám chữa bệnh và sau khi rà soát thì thấy còn nổi lên vấn đề về tài chính y tế.
“Cơ chế tài chính của các cơ sở khám-chữa bệnh như thế nào, có đưa vào dự án luật này không, nếu đưa vào thì thiết kế như thế nào,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu sau khi sửa luật mà chưa luật hóa được cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế thì việc triển khai hoạt động của các cơ sở y tế vẫn tiếp tục gặp khó.
Hiện nay chưa có luật điều chỉnh đơn vị sự nghiệp. Đơn vị sự nghiệp mới chỉ được quy định trong các luật có liên quan. Cơ chế tài chính nói chung của các đơn vị sự nghiệp trước đây được quy định trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay được quy định trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này được áp dụng chung cho tất cả lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mục tiêu chính của hôm nay là muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia xem chúng ta có nên luật hóa quy định trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù là cơ sở khám, chữa bệnh, để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, giúp cán bộ quản lý cơ sở y tế yên tâm làm chuyên môn?
Nếu luật hóa thì thể hiện như thế nào, có nên quy định thành một chương riêng áp dụng cho cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân hay không? đồng thời chỉ ra nhiều nội dung rất căn cơ khác nhưng còn “vắng bóng trong dự án luật.”
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề mới, mà đã có nghị định quy định rồi, thực tiễn cuộc sống cũng đặt ra những vấn đề đó. Vấn đề là nên chăng chắt lọc để đưa các quy định trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP vào dự án luật này để áp dụng cho lĩnh vực y tế. Trên cơ sở đó sẽ tổng kết và nhân rộng ra các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ những vướng mắc hiện nay trong thực hiện quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám-chữa bệnh, kể cả nhà nước và tư nhân, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ vướng mắc này; hành lang pháp lý cho việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, khi phòng, chống dịch thì nhiều cơ sở y tế tư nhân cũng có thể tham gia được, nhưng thể chế chưa rõ. Đó chính là một trong những lý do mà Quốc hội phải ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải ban hành các nghị quyết khác để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Ngoài ra còn có các vấn đề nguồn lực cho hoạt động khám bệnh và chữa bệnh, xã hội hóa dịch vụ y tế, hợp tác công tư trong hoạt động khám chữa bệnh…
[Cần có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế vùng khó khăn]
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xã hội hóa y tế có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bù đắp thiếu hụt về tài chính nhà nước và mở rộng cung ứng dịch vụ cho người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, đồng thời bày tỏ mong muốn những vấn đề này sẽ được các đại biểu là chuyên gia pháp lý, chuyên gia y tế và các nhà quản lý trong lĩnh vực y tế đóng góp ý kiến để làm rõ những vấn đề này.
Tính đủ, tính đúng giá dịch vụ y tế
Tại toạ đàm, có khoảng 20 ý kiến đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các Trường Đại học Y, một số bệnh viện, các chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu về tài chính bệnh viện công lập, góp ý hoàn thiện các quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, xã hội hoá y tế, hợp tác công tư trong y tế và 1 số nội dung khác của dự thảo Luật.
Các tham luận, ý kiến phát biểu sẽ được cơ quan chủ trì Toạ đàm tổng hợp để có thêm thông tin, góp ý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bản chất của dự thảo luật liên quan đến hoạt động của bệnh viện, là giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Gần đây nhất là ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.”
Trong nghị quyết này có nói đến việc “tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.” Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Lê Tuấn nếu giá dịch vụ khám, chữa bệnh mà được tính đủ thì bệnh viện có điều kiện phát triển hơn, được đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cán bộ y tế chỉ tập trung cho chuyên môn…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, yêu cầu đặt ra ít nhất là phải giải quyết được cơ bản những bất cập, tồn tại hiện nay trong công tác khám bệnh, chữa bệnh. Để khi văn bản luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra đời sát hơn, phù hợp với thực tế và dễ triển khai thực hiện.
Về vấn đề tài chính y tế trong các đơn vị khám, chữa bệnh, thực tế đặt ra đây là nguồn thu của các đơn vị y tế để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị; có nguồn tiết kiệm để đầu tư phát triển, đặc biệt là nâng cao nguồn thu của nhân viên y tế. Từ đó cho thấy giá dịch vụ y tế cần tiếp cận theo giá thị trường.
Ý kiến phát biểu tại tọa đàm cho rằng, vấn đề xã hội hoá, hợp tác công tư trong vận hành hệ thống y tế là một chủ trương lớn của Đảng trong lĩnh vực y tế-xã hội. Thể hiện vấn đề này trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là bài toán xuất hiện nhiều lời giải từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Trong bài toán cân bằng lợi ích các bên tham gia thị trường chăm sóc y tế phải theo nguyên tắc "đảm bảo đặt ưu tiên cao nhất cho lợi ích toàn dân, đảm bảo không đánh mất tính nhân đạo trong chăm sóc y tế.”
Các đại biểu cũng nêu bất cập trong xã hội hóa, trong đó ở khâu mượn máy và thuê máy, mua sinh phẩm, hoá chất, vật tư đi theo máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện thì giải quyết thấu đáo như thế nào? Xã hội hóa trong vấn đề mời chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao…
Đại biểu cho rằng, ngân sách nhà nước vẫn phải chủ đạo trong đầu tư hạ tầng của các đơn vị sự nghiệp y tế công, đầu tư mua máy móc trang thiết bị hiện đại. Dự thảo luật cần phải đưa nội dung “tính đúng, tính đủ” (khấu hao, chi phí quản lý…)
Cùng với đó, thanh toán viện phí nên tính theo trường hợp từng người bệnh kể cả trong dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế. Từ đó góp phần đảm bảo không bị "vỡ" quỹ bảo hiểm…
Được biết, hệ thống bệnh viện phủ rộng toàn quốc hiện có 1.420 bệnh viện, phân theo tuyến, chủ yếu là công lập với 1.189 bệnh viện. Bệnh viện công đóng vai trò chủ chốt trong cung ứng dịch vụ y tế.
Khó khăn, bất cập trong chính sách giá dịch vụ y tế hiện nay là chưa đảm bảo tính đủ, tính đúng chi phí, giá hiện nay chưa đủ bù đắp chi phí, không có chênh lệch để đầu tư phát triển…
Tại toạ đàm, ý kiến chuyên gia nêu một số kinh nghiệm quốc tế, đề xuất cần thể chế hóa rõ chức năng, nhiệm vụ và phân loại bệnh viện công lập gắn với chức năng cung ứng dịch vụ sử dụng ngân sách và dịch vụ không sử dụng ngân sách. Định giá dựa trên tính đúng, tính đủ chi phí…/.