Có nên bổ sung chế tài với hành vi cản trở hoạt động kiểm toán?

Thời gian qua khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan, phía kiểm toán phải thực hiện thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước nên có nhiều khó khăn.

Mỗi năm, theo Kiểm toán Nhà nước, có hàng trăm trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch. Thực tế, có hành vi không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Thậm chí, có trường hợp còn tẩy xóa tài liệu, làm ảnh hưởng tới kết quả kiểm toán.

Đó là những khó khăn được Kiểm toán Nhà nêu lên tại tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước chiều 23/5.

Có quan niệm "không chịu sự kiểm toán"

Nói về điểm sửa đổi trong dự án, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dự án được sửa đổi theo hướng quy định làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

[Kiểm toán Nhà nước chỉ ra điều gì 'bất thường' tại các dự án ODA?]

Những đơn vị này là: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng, khai thác khoáng sản, đất đai và tài nguyên khác;...

Với những đối tượng này, dự thảo luật đề xuất nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cũng có trách nhiệm thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo kết quả cho Kiểm toán Nhà nước.

Theo lý giải của Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3), phía kiểm toán phải thực hiện thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường).

Một số đơn vị có quan niệm không là đơn vị được kiểm toán, không chịu sự kiểm toán và có hành vi không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với Kiểm toán Nhà nước, không hợp tác khi Kiểm toán viên nhà nước đến làm việc.

Khoảng trống pháp lý

Không chỉ vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề cập tới việc bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán Nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo giải thích, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa quy định nên chưa có biện pháp xử lý những trường hợp trên và đây là khoảng trống pháp lý.

Phía Kiểm toán Nhà nước thống kê: Mỗi năm có hàng trăm trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch. Đặc biệt có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật, có hiện tượng tẩy xóa tài liệu.

Cho ý kiến tại tổ chiều cùng ngày, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An tỏ ra tâm đắc với nội dung trên. Theo ông, hiện tại, việc xử lý cá nhân, tổ chức không hợp tác là "yếu."

Cũng tỏ ra đồng tình nhưng đại biểu Giàng Thị Bình, đoàn Lào Cai thì lưu ý việc phải đối chiếu nội dung xử phạt trên với Luật xử lý vi phạm hành chính để xem xét thẩm quyền. Ngoài ra, vị này cũng nhắc tới việc quy định mức xử phạt số tiền ra sao cho mỗi trường hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục