Cỗ máy Rube Goldberg theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump

Có lẽ ông Trump nghĩ rằng việc áp đặt hạn ngạch đối với sản phẩm xuất khẩu và cho phép miễn trừ thuế đối với các nhà nhập khẩu trong nước là điều có lợi cho nước Mỹ, nhưng không hẳn như vậy.
Cỗ máy Rube Goldberg theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump ảnh 1Sản phẩm thép cuộn tại một nhà máy ở Salzgitter, Đức. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Có lẽ ông Trump nghĩ rằng việc áp đặt hạn ngạch đối với sản phẩm xuất khẩu và cho phép miễn trừ thuế đối với các nhà nhập khẩu trong nước là điều có lợi cho nước Mỹ cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng như vậy.

Anne O. Krueger, nguyên nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và nguyên Phó giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hiện là giáo sư chuyên về nghiên cứu Kinh tế quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp, Đại học John Hopkins, và Giáo sư giảng dạy tại Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Stanford nhận định như vậy trong bài viết "Cỗ máy Rube Goldberg theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump."

Cỗ máy Rube Goldberg, được đặt tên theo họa sỹ tranh biếm họa kiêm nhà sáng chế người Mỹ Reuben Lucius Goldberg (1883-1970), là hệ thống dây chuyền phản ứng phức tạp được thiết kế từ những vật đơn giản nhất.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate. Quan điểm trong bài là của tác giả.

Nhằm tránh mức thuế 25% của chính quyền Trump đánh vào thép nhập khẩu, một số nước đã đồng ý chấp nhận những hạn ngạch xuất khẩu đối với 59 loại sản phẩm thép. Đồng thời, chính quyền Trump cũng tuyên bố rằng những nhà sản xuất Mỹ sử dụng thép nhập khẩu có thể xin miễn trừ thuế từ Bộ Thương mại nếu họ không thể tìm được nguồn cung cấp đối với những sản phẩm đặc biệt mà họ cần ở trong nước.

Có lẽ ông Trump nghĩ rằng việc áp đặt hạn ngạch đối với sản phẩm xuất khẩu và cho phép miễn trừ thuế đối với các nhà nhập khẩu trong nước là điều có lợi cho nước Mỹ cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng như vậy.

Về mặt chính trị, chính quyền Trump đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho địa vị quốc tế của Mỹ thông qua việc biện minh cho việc áp thuế đối với sản phẩm xuất khẩu của các đồng minh dựa trên lý do "an ninh quốc gia."

Tuy nhiên, tác động bất lợi về kinh tế từ việc áp thuế của ông Trump cũng không kém phần đáng lo ngại. Những nhà sản xuất Mỹ dựa vào thép nhập khẩu hiện đang phải đối mặt với tình trạng phí tổn gia tăng, và có thể sớm đối mặt với tình trạng thiếu hụt, với việc giá thép ở Mỹ đã tăng 50% cao hơn mức giá ở Trung Quốc hoặc châu Âu. Quả thật, lấy lý do chi phí tăng cao, công ty sản xuất môtô được coi là biểu tượng của đất nước Harley-Davidson mới đây loan báo là họ sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi nước Mỹ, nhằm tránh mức thuế trả đũa của Liên minh châu Âu.

Khi chi phí sản xuất của các nhà sản xuất Mỹ tăng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với giá cả hàng hóa tăng cao. Hậu quả là họ sẽ hạn chế hay trì hoãn mua sắm và ít nhất chuyển một phần mua sắm của họ sang những sản phẩm của nước ngoài mà những mức thuế hiện nay làm cho chúng trở nên tương đối rẻ hơn.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng chỉ riêng việc đánh thuế vào sản phẩm thép có thể làm mất 195.000 công ăn việc làm trong ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng trong 3 năm tới.

[Khi Mỹ-Trung chính thức ‘khai hỏa’ cuộc chiến thương mại]

Ngoài những ảnh hưởng bất lợi từ việc áp thuế, việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu và miễn thuế cũng có một tác động bất lợi ngấm ngầm khác. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã đồng ý hạn chế xuất khẩu thép của nước này sang Mỹ xuống còn 70% của các mức trong giai đoạn 2015-2017, làm nổi lên câu hỏi là những hạn ngạch như vậy nên được quản lý như thế nào. Hoặc Chính phủ Hàn Quốc hoặc Cơ quan Hải quan Mỹ sẽ phải giám sát và hạn chế đối với từng trong số 59 loại sản phẩm thép.

Cứ cho rằng người Hàn Quốc đảm nhận công việc này, các quan chức hải quan Mỹ hoặc sẽ phải tin vào những số liệu mà họ đưa ra, hoặc sẽ phải chịu thêm phí tổn cho việc tăng cường nỗ lực giám sát cần thiết nhằm làm cho việc áp đặt hạn ngạch có hiệu lực. Tiếp sau chắc chắn sẽ là chi phí gia tăng và tình trạng trì trệ do từng nhà xuất khẩu Hàn Quốc sẽ phải xin phép thông qua từng chủng loại lô hàng sản phẩm thép.

Nếu hệ thống cấp phép xuất khẩu này hoạt động trên cơ sở ai đến trước được phục vụ trước, thì các nhà nhập khẩu Mỹ và các nhà xuất khẩu Hàn Quốc sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhanh chóng hoàn tất đơn đặt hàng ngay từ đầu năm.

Như một cách lựa chọn khác, nếu nhà cầm quyền Hàn Quốc quyết định tiến hành phân bổ hạn ngạch cho các công ty, họ có khả năng sẽ phải đặt hạn mức chuẩn được chia cho từng công ty dựa trên lượng xuất khẩu của nước này trong giai đoạn 2015-2017.

Cỗ máy Rube Goldberg theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump ảnh 2Sản phẩm máy giặt Hàn Quốc được giới thiệu tại Las Vegas, Nevada, Mỹ. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Tuy nhiên, với chế độ do hạn ngạch ấn định này sẽ không còn sự cạnh tranh nào giữa các nhà xuất khẩu thép Hàn Quốc trên thị trường Mỹ nữa. Dựa trên những gì đã xảy ra trong quá khứ liên quan hạn ngạch trên khắp thế giới, kết quả có thể đoán trước sẽ là việc kiểm soát chất lượng giảm đi và thời gian giao hàng lâu hơn, do nhà sản xuất không còn lý do để cạnh tranh giành các khách hàng mới nữa.

Cũng vậy, việc miễn trừ thuế có thể có một tác động gây thiệt hại tương tự. Tính đến cuối tháng Sáu, Bộ Thương mại đã nhận được 21.000 đơn xin miễn thuế, và bộ này hy vọng con số sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Việc xử lý những đơn này cần thời gian và gây ra nhiều vấn đề phức tạp khác, tất cả là do các công ty xin miễn thuế đều phải làm đơn xin riêng rẽ cho từng loại thép (với những khác biệt đôi khi chỉ là hình dạng của sản phẩm), cũng như do việc miễn thuế phải được gia hạn hàng năm.

Bộ Thương mại đã thuê khoảng 30 người làm công việc xử lý các đơn xin miễn thuế trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, các đơn xin cũng phải được đăng tải công khai trong vòng 30 ngày, và nếu một nhà sản xuất thép trong nước cho thấy rằng họ có thể sản xuất được loại thép đang được xin miễn thuế nói trên, đơn xin sẽ bị bác. Tính đến ngày 21/6, 9.000 trong số 20.000 đơn xin ban đầu đã được đăng công khai, 42 đơn được chấp thuận, và 56 đơn bị bác.

Trên thực tế, hệ thống này sẽ cho phép bất kỳ nhà sản xuất trong nước nào đứng ra ngăn chặn việc nhập khẩu miễn thuế đối với những sản phẩm thép mà họ tin là họ có thể sản xuất. Khi phương pháp quản lý này được sử dụng ở những nới khác trên thế giới, nó đã dẫn đến việc nhiều công ty lên tiếng khẳng định những khả năng đáng ngờ của họ mà không quan tâm gì đến chất lượng, giá cả, hoặc thời gian giao hàng. Và trong trường hợp chính quyền Trump, có mọi lý do để nghi ngờ về năng lực cần thiết của những người làm công việc xem xét những lời khẳng định nói trên của các công ty này.

Trong kỷ nguyên bảo hộ mậu dịch mới này, các công ty Mỹ được miễn trừ thuế và các công ty Hàn Quốc được cấp hạn ngạch xuất khẩu sẽ nhận được bản quyền có giá trị với chi phí bỏ ra ít ỏi. Điều này sẽ làm cho các công ty có thêm lý do để tiến hành vận động hành lang hoặc gây sức ép lên các cơ quan cấp phép, làm phức tạp thêm vấn đề, và làm tăng khả năng tham nhũng. Và thậm chí khi việc đưa ra quyết định được trao cho các cơ quan độc lập nhằm tránh lạm dụng, thì điều này cũng sẽ làm cho quá trình trở nên phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian hơn.

Các chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" sẽ dẫn đến việc hiểu sai hơn nữa về phần các nhà sản xuất trong nước, làm giảm việc kiểm soát chất lượng, dẫn đến những trì trệ về hành chính, và những hàng rào cao hơn đối với những đối thủ cạnh tranh mới tiềm tàng.

Hơn nữa, một khi mức thuế hay hạn ngạch được áp đặt, các nhà sản xuất thuộc các ngành khác sẽ bắt đầu đòi hỏi sự quan tâm mang tính bảo hộ tương tự như vậy, và đây là điều có thể giải thích tại tại sao Trump hiện đe dọa sẽ tăng thuế đối với ôtô nhập khẩu. Một khi căn bệnh lây lan này trở thành phổ biến, sẽ không thể nói là khi nào nó sẽ dừng lại.

Chính quyền Trump đã tiến hành cắt giảm thuế và bãi bỏ những quy định với hy vọng sẽ giúp hỗ trợ sản xuất tăng trưởng. Tuy nhiên, bằng việc bắt các nhà sản xuất Mỹ và thế giới phải chấp nhận một hệ thống thuế, hạn ngạch, và miễn trừ thuế, chính quyền này sẽ nhận được những tác động ngược lại: tính cạnh tranh giảm xuống, giá cả tăng cao, dịch vụ tồi đi, và ít đổi mới sáng tạo hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục