Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất và có quy mô lớn nhất Đông Nam Á

Kết quả khảo cổ học mới nhất khẳng định thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ thứ 3-2 trước Công nguyên.
Hố khai quật Ụ hỏa hồi (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Kết quả khảo cổ học mới nhất khẳng định thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, được đắp dưới thời vua An Dương Vương (thế kỷ thứ 3-2 trước Công nguyên). Kỹ thuật đắp thành có sự khác nhau giữa thành Ngoại, thành Trung và thành Nội.

Những thông tin trên được tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp, đại diện nhóm nghiên cứu thành Cổ Loa (Viện Khảo cổ học) đưa ra tại tọa đàm khoa học “Kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa từ năm 2007 tới nay” diễn ra sáng nay (2/12), tại Hà Nội. Chương trình do Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức.

Kinh đô cổ nhất Đông Nam Á

Tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp cho biết, các kết luận này được đưa ra dựa trên những thông tin, kết quả thu được từ ba đợt khai quật khảo cổ học tại khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) trong giai đoạn 2007-2014.

“Cổ Loa là kinh đô cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là giá trị lớn nhất của di tích này. Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm,” tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp khẳng định.

Theo nhà nghiên cứu này, thành Cổ Loa được xây dựng theo kiểu triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên sẵn có ở khu vực để đắp thành, đào hào. Sông được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoại, cung cấp nước cho hệ thống hào của tòa thành. Nhiều gò, đống, doi đất được đắp nối lại và đắp cao thêm làm thành một bộ phận hữu cơ của tòa thành.

“Đây là tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, nhà vua và hoàng gia vừa là căn cứ phòng thủ vững chắc,” tiến sỹ Hiệp nói.

Tại tọa đàm, vị tiến sỹ này cho biết, trước đây, lịch sử thành Cổ Loa đã được ghi chép ở nhiều bộ sử cổ của Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong các bộ sử đó, nhiều sự kiện không thống nhất về địa điểm, nội dung, thời gian mở đầu và kết thúc. Bởi vậy, giới học thuật và công chúng rất khó tra cứu, đối sánh để tìm ra cái chung, thống nhất.

“Với kết quả nghiên cứu lần này, chúng ta đã có xác định được chắc chắn niên đại của thành Cổ Loa,” tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Hình ảnh về những phát hiện khảo cổ mới được giới thiệu tại tọa đàm sáng 3/12 (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Sự khác nhau trong kỹ thuật đắp thành

Đại diện Viện Khảo cổ học cho viết, cùng với việc xác định được niên đại thành Cổ Loa, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt trong kỹ thuật đắp thành giữa thành Nội và Ụ hỏa hồi (phía Đông Bắc thành Nội) so với thành Ngoại và thành Trung.

Ở thành Ngoại và thành Trung, thành được đắp hình vòng cung. “Các giai đoạn đắp tiếp theo cũng có hình dạng như vậy, từ đó làm tăng kích thước của tường thành,” tiến sỹ Hiệp cho hay.

Trong khi đó, kỹ thuật đắp thành Nội và Ụ hỏa hồi (phía Đông Bắc thành Nội) cho thấy các lớp đất ở các giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất: tạo thành mặt phẳng.

Hệ thống lại các tư liệu khảo cổ học thu được từ các cuộc khai quật từ năm 1970 cho đến nay, kết hợp với nguồn sử liệu thành văn, tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp cho rằng: cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) đã xây dựng hào, lũy ở Cổ Loa. 

“Tại đây, một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán sang đô hộ. Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, ở lưu vực sông Hồng chưa có di tích nào có quy mô lớn như vậy. Để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa, chắc chắn phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước tập trung hóa,” tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp phân tích.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của đại diện nhóm nghiên cứu thành Cổ Loa (Viện Khảo cổ học), một lượng lớn mảnh ngói, đá đã được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ học tại di tích này. Riêng tại các hố khai quật thuộc khu vực thành Nội và Ụ hỏa hồi (năm 2014), các nhà khoa học đã thu được 832 tiêu bản ngói.

“Việc thu được lượng lớn mảnh ngói, đá này đã gợi mở nhiều giả thiết quan trọng cho việc tiếp tục nghiên cứu về thành Cổ Loa: có hay không một kết cấu mái tồn tại trên các thành lũy Cổ Loa? Đó còn là một điều rất đáng kinh ngạc về sức sản xuất của người Việt cổ,” tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp nêu vấn đề.

Hố khai quật tại thành Nội (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Tại buổi tọa đàm, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng, những kết quả khảo cổ học công bố lần này cho thấy một bước tiến mới trong nghiên cứu thành Cổ Loa nói riêng và lĩnh vực khảo cổ học nói chung.

“Các nhà khoa học đã bắt đầu tiếp cận theo hướng nghiên cứu chi tiết. Trước đó, ở lĩnh vực khảo cổ học, chúng ta thường tiếp cận theo hướng nghiên cứu tổng thể,” giáo sư Lưu Trần Tiêu nhìn nhận./.

Thành Cổ Loa (thuộc Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa) có diện tích gần 46ha, gồm ba vòng thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín với tổng chiều dài là 15,820km.

Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn 2007-2014, Viện Khảo cổ học, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Khoa Nhân học (Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ) tiến hành ba đợt khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại đây: đợt thứ nhất diễn ra năm 2007-2008 (cắt lũy hào thành Trung tại Xóm Thượng và Xóm Bãi), đợt thứ hai diễn ra năm 2012 (cắt thành Ngoại tại Xóm Đống Dân) và đợt thứ ba vào năm 2014 (Ụ hỏa hồi và thành Nội tại thôn Chợ).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục