Có khung pháp lý rõ ràng để quản lý, sử dụng hiệu quả, an toàn các loại dữ liệu

Cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu, một số đại biểu cho rằng Chính phủ cần siết chặt quy định nhằm kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia để đảm bảo an ninh.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các cá nhân vi phạm pháp luật. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cho ý kiến về dự án luật này, một số đại biểu cho rằng Chính phủ cần siết chặt quy định nhằm kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu cốt lõi cũng như dữ liệu quan trọng của quốc gia để đảm bảo an ninh.

Một số ý kiến đề nghị xác định rõ những loại nào bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển ra nước ngoài; trường hợp thực hiện chuyển dữ liệu, quy trình chuyển, cũng như trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu đã có căn cứ pháp lý; thực tiễn nước ta đã có 7 Cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu kết nối liên thông, góp phần cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người dân...

Tuy nhiên, còn những bất cập như một số bộ, ngành, địa phương chưa có đủ hạ tầng để triển khai, dữ liệu thu thập, lưu trữ trùng lắp, chồng chéo, nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khó khăn trong khai thác, liên thông... Do đó, việc luật hóa dữ liệu là hết sức cần thiết.

Liên quan việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần thận trọng trong việc bảo vệ dữ liệu bí mật của tổ chức, cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau. Bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia, nhưng cũng bảo đảm hài hòa thông lệ quốc tế, không cản trở luồng dữ liệu an toàn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đánh giá đây là một nội dung mới, giúp thúc đẩy việc trao đổi dữ liệu, nắm bắt thông tin của thị trường quốc tế và giúp các nước trên thế giới thuận lợi trong việc tìm hiểu nền văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đồng thời, việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường, mở rộng nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế mạnh mẽ...

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu phi biên giới ngày càng gia tăng; do đó đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý chặt chẽ dữ liệu chuyển ra nước ngoài.

"Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xác định các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài; quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố về dữ liệu; quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc giải quyết, quyết định việc chuyển giao dữ liệu và tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong công tác quản lý...” đại biểu nhấn mạnh.

Theo Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo, việc mua bán dữ liệu nói chung và chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến. Hoạt động này dần trở nên chuyên nghiệp, thường xuyên và là một loại dịch vụ, kênh kinh doanh. Nhiều loại dữ liệu thô, dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, dữ liệu phi cá nhân được chuyển ra nước ngoài hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tới an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, nhất là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia. Do vậy, dự thảo Luật Dữ liệu đã quy định rõ yêu cầu, điều kiện và thủ tục chuyển dữ liệu ra nước ngoài, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cơ quan soạn thảo đề nghị đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp góp ý hoàn thiện quy định này, bảo đảm công tác quản lý nhà nước nhưng cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, khơi thông dòng chảy dữ liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục