Có khoảng 450 bài báo phản ánh yếu kém, tiêu cực trong 1 tháng

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết theo con số thống kê chưa đầy đủ của Mặt trận Tổ quốc, trong 1 tháng, cả nước có khoảng 450 bài báo phản ánh những yếu kém, tiêu cực.
Có khoảng 450 bài báo phản ánh yếu kém, tiêu cực trong 1 tháng ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện nay, theo con số thống kê chưa đầy đủ của Mặt trận Tổ quốc, trong 1 tháng, cả nước có khoảng 450 bài báo phản ánh những yếu kém, tiêu cực. Đây là căn cứ để Mặt trận Tổ quốc phối hợp với cơ quan báo chí giải quyết đến tận cùng các vụ việc do báo chí nêu ra.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết như vậy tại hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí," tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội.

Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức, thu hút nhiều nhà báo, nhà khoa học đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí.

Giải quyết tận cùng các vụ việc do báo chí nêu

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh thực tế đã chứng minh, báo chí, truyền thông có vai trò rất to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia công tác này.

Hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Viettel xây dựng phần mềm đọc báo điện tử để thống kê, phân loại các bài báo phản ánh tiêu cực trên hệ thống báo chí. Từ số liệu này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phân loại, thông tin về từng địa phương, cơ sở đang có vụ việc mà báo chí phản ánh để phối hợp giải quyết hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gợi mở Hội thảo cần đi sâu phân tích về vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, về trường hợp phóng viên, cơ quan báo chí thực hiện các bài điều tra có được hỗ trợ về nghiệp vụ không, có văn bản pháp luật cho phép nhà báo làm nghiệp vụ điều tra không... nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí của báo chí.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết hội thảo góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của báo chí đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

[Ông Nguyễn Thiện Nhân: Phát huy sức mạnh báo chí, đẩy lùi cái xấu]

Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp; đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc tuyên truyền về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, từng bước nâng cao chất lượng tuyên truyền của báo chí hiện nay đối với lĩnh vực này.

Đây cũng là dịp để cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp cho các nhà báo sáng tạo tác phẩm báo chí tham dự Giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, lãng phí trong năm 2017 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức.

Có hành lang pháp lý tốt để các nhà báo yên tâm dấn thân

Tại hội thảo, các tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mối quan hệ và các nhân tố tác động tới vai trò này. Những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn của báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, như tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin; những khó khăn, bất cập; những sai phạm thường gặp trong tác nghiệp báo chí và tác hại của việc thông tin sai cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.

Các đại biểu trao đổi về cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan báo chí, giữa các cơ quan báo chí với nhau, trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp; cơ chế phối hợp (giữa các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các cơ quan đơn vị pháp luật, các bộ ngành liên quan…) để giải quyết, xử lý những vụ việc do báo chí phát hiện.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, về mặt pháp luật, hoạt động báo chí trong phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là không có chế tài nhưng về mặt xã hội lại có tác động rất lớn. Báo chí và luật pháp cũng có điểm tương đồng là tạo nên tính nhân văn trong xã hội.

"Báo chí hỗ trợ rất lớn cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm. Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập; nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý... đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sữa chữa kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, báo chí cũng tạo áp lực không cần thiết cho hoạt động tố tụng, nhất là phán quyết của tòa án," phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Độ chia sẻ.

Theo Luật sư Phan Trung Hoài, không phải tự nhiên mà nghề báo và nghề luật sư có những điểm tương đồng, làm cơ sở cho mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong thực hiện chức năng xã hội và nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên, từ thực tiễn quá trình tham gia tố tụng trong các vụ án tham nhũng, Luật sư Hoài cho rằng mối quan hệ tương hỗ, phân định rành mạch chức năng, thái độ ứng xử chuẩn mực giữa các nhà báo với các luật sư là một kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống và hành nghề của mỗi bên.

Nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong mong muốn cần coi hoạt động tác nghiệp của những nhà báo tham gia vào mặt trận phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một loại thi hành công vụ, cần tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân. Bên cạnh đó, cần sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, cần có chế tài trnog việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời đối với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm, khi cơ quan báo chí đề nghị cung cấp thông tin.

Khi xảy ra các vụ hành hung báo chí, các cơ quan, tổ chức, đơn vị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông, cơ quan chủ quản báo chí, Ban Tuyên giáo... cần chủ động vào cuộc để bảo vệ nhà báo và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức những lớp tập huấn cho các nhà báo chuyên về lĩnh vực phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục