Cơ khí Việt Nam: Liên kết để tăng hiệu quả chuỗi sản phẩm

Việc đẩy mạnh liên danh, liên kết được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có không gian và môi trường hợp tác sản xuất.
Cơ khí Việt Nam: Liên kết để tăng hiệu quả chuỗi sản phẩm ảnh 1Lắp ráp xe ôtô tại Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Liên kết để tăng hiệu quả chuỗi sản phẩm cơ khí trong thời gian tới là một trong những mục tiêu được các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đặt ra trong hội nghị Tổng kết hoạt động của VAMI năm 2014 được tổ chức tại thị xã Sông Công - Thái Nguyên ngày 28/11.

Theo đó, năm 2015, các thành viên VAMI sẽ tập trung triển khai nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp để ngành cơ khí tạo sức bật mới. Các doanh nghiệp cơ khí phấn đấu tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm toàn cầu. Việc đẩy mạnh liên danh, liên kết được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành viên VAMI có không gian và môi trường hợp tác sản xuất.

Về phía VAMI sẽ chủ động đề xuất với Chính phủ, các Bộ liên quan có chủ trương để tập hợp lực lượng doanh nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí lắp máy trong nước tiếp tục thực hiện các dự án trong nước bị dừng hoặc bị kéo dài tiến độ. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các dự án nhà máy nhiệt điện, giao thông... cho đến khi hoàn chỉnh dự án trong mọi tình huống và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đáng chú ý, việc thành lập các Ban chuyên ngành cơ khí theo nhóm ngành nghề đã phát huy hiệu quả tốt, như Ban ôtô VAMI. Hình thức này vừa phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo vệ thị trường trong nước trước sức ép của bên ngoài.

Cùng đó, việc xây dựng Liên danh tổ hợp nhà thầu cũng được nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia để cùng nhau tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm.

Theo ông Phan Tử Giang – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí, hiện khó khăn lớn nhất trong việc tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm cơ khí là do liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất lỏng lẻo. Các đơn vị có thể sản xuất được các chi tiết và linh kiện nhưng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì chưa thể thực hiện được.

Vì vậy, để nâng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm cơ khí chế tạo thì doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian để tìm sản phẩm phù hợp, hơn nữa lại phải đáp ứng được các điều kiện vè tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ví dụ như với giàn khoan dầu khí, Công ty đã phải yêu cầu các đơn vị nước ngoài tách nhỏ thiết bị để có thể đưa các linh kiện cơ khí của Việt Nam vào lắp đạt. Tuy nhiên, điều này khiến đơn vị mất rất nhiều thời gian.

Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho biết: trong những năm gần đây, doanh nghiệp cơ khí thuộc nhiều thành phần kinh tế đã có những đổi mới, chú trọng đầu tư phát triển năng lực công nghệ, thiết bị và từng bước nâng cao năng lực thiết kế, trình độ quản lý, điều hành.

Ngành cơ khí chế tạo có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù hệ thống chính sách để phát triển cơ khí đã tương đối đầy đủ nhưng trên thực tế chỉ có một số được triển khai có kết quả tốt như chế tạo thiết bị cơ khí thủy công.

Nhiều chính sách gặp khó khăn trong quá trình triển khai như các Chỉ thị 494/CT-TTg và 734/CT-TTg về công tác đấu thầu; Quyết định 1791/QĐ-TTg về nội địa hoá 11 hạng mục thiết bị nhà máy nhiệt điện khó triển khai vì chủ đầu tư thiếu vốn và cũng chưa tin tưởng vào các nhà thầu trong nước. Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại thiêu kiểm tra quyết liệt quá trình thực thi.

Tổng giám đốc Công ty Phụ tùng số 1 Phạm Văn Khay cho rằng: việc đưa chính sách vào cuộc sống vẫn khó do quy định chưa rõ ràng. Mặc dù thực hiện 10 năm đổi mới nhưng hầu như doanh nghiệp vẫn phải tự chủ động mày mò, tìm hiểu để đón bắt thị trường. Thậm chí như xuất khẩu xe máy còn còn chưa nhận được hỗ trợ từ phía chính sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục