Nói một cách đơn giản, kinh tế số là thông qua việc sử dụng tri thức và thông tin kỹ thuật số để dẫn dắt và thực hiện việc phân phối tối ưu các nguồn lực, nâng cao năng lực sản xuất, thực hiện hình thái kinh tế phát triển chất lượng cao.
Về khía cạnh công nghệ, nó bao gồm việc ứng dụng các công nghệ mới nổi như dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), 5G…
Theo “Báo cáo phát triển Internet Trung Quốc năm 2020,” quy mô nền kinh tế kỹ thuật số năm 2019 của Trung Quốc là 35.800 tỷ nhân dân tệ, chiếm 36,2% tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Trung Quốc đều đứng đầu thế giới.
Hội nghị trung ương 5 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/2020 đã xác định rõ cần “đẩy nhanh phát triển kỹ thuật số,” thúc đẩy hình thành và phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật số, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác quốc tế về kinh tế và thương mại số, xây dựng con đường tơ lụa kỹ thuật số.
[Kinh tế số giúp châu Á phát triển thịnh vượng sau COVID-19]
Gần đây, việc ký kết thành công Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hoàn tất đàm phán Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc (CAI) không những mang lại năng lượng tích cực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, mà hai hiệp định này còn có không ít nội dung hợp tác trên lĩnh vực kinh tế số như số hóa thương mại, thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ tài chính…, điều này chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc, châu Á và ASEAN giải phóng tiềm năng phát triển kinh tế số sau đại dịch COVID-19.
ASEAN có dân số tương đối trẻ, hơn 1/2 dưới 30 tuổi, đồng thời có tỷ lệ phổ cập điện thoại thông minh khá cao, nền kinh tế Internet của ASEAN đang phát triển với tốc độ kinh ngạc, dự kiến sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.
Tháng 1/2021, sau khi kết thúc chuyến thăm các nước Myanmar, Indonesia, Brunei, Philippines, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng việc xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN, bao gồm hợp tác xây dựng kinh tế số, sẽ đưa quan hệ Trung Quốc-ASEAN lên một tầm cao mới.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu hạn chế sự phát triển của nền kinh tế truyền thống và bóng đen bao trùm của chủ nghĩa đơn phương, nền kinh tế số “không tiếp xúc” đã có mảnh đất màu mỡ để phát triển, cộng thêm xu hướng và các điều kiện phát triển có lợi cho nền kinh tế số nói trên, việc kịp thời nắm chắc cơ hội để xây dựng nền kinh tế số sẽ phù hợp với xu thế vận động phát triển, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
Hỗ trợ xây dựng nền kinh tế số châu Á
Ở châu Á, trong những năm gần đây, Singapore và Trung Quốc đều đặt xây dựng nền kinh tế số ở vị trí phát triển chiến lược quan trọng của quốc gia, đồng thời đã đạt được những thành quả tích cực.
Nền kinh tế số đã thẩm thấu toàn diện, và ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các khâu (từ sản xuất, logictics đến tiêu thụ) và tất cả các lĩnh vực, như bán lẻ trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến, làm việc từ xa.
Ngoài ra, các nền tảng chia sẻ tài nguyên khác nhau cũng phát huy tác dụng tích cực trên các phương diện như thương mại trên nền tảng số và ổn định việc làm.
Thêm nữa, công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cơ bản các phương thức sản xuất và mô hình kinh doanh của nền kinh tế truyền thống, thúc đẩy nền tảng Internet công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế tạo quy hoạch và sản xuất chính xác, đồng thời còn thúc đẩy các nền tảng của chuỗi sản xuất và cung ứng thực hiện tốt hơn việc quản lý tối ưu toàn hệ thống đối với các luồng thương mại, logictics, dòng vốn, dòng thông tin.
Về phương diện tài chính, một loạt sáng tạo trên lĩnh vực công nghệ tài chính hàng đầu đã tạo cơ hội phát triển cho các hệ sinh thái chưa từng có như tài chính nền tảng, tài chính bao trùm...
Singapore và Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phát triển quý giá về kinh tế số nên sẽ có thể hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế số châu Á.
Chẳng hạn, dưới sự thúc đẩy thống nhất của Singapore và Trung Quốc, hiệu lực pháp lý của chữ ký điện tử đã được thừa nhận trong Hiệp định RCEP, chiến lược lưu trữ dữ liệu cũng có lợi cho công nghệ sổ cái phân tán. Điều này sẽ đẩy nhanh sự phát triển kinh tế số của Singapore và Trung Quốc ở các nước ASEAN.
Singapore và Trung Quốc cũng có năng lực và ưu thế riêng biệt, có thể đóng góp tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế số châu Á. Có thể chia sẻ một số ví dụ điển hình dưới đây.
Về phương diện kết nối kỹ thuật số, mạng lưới dịch vụ dựa trên Blockchain do Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc nghiên cứu phát triển là một cơ sở hạ tầng công cộng Internet thông minh thế hệ thứ hai dựa trên công nghệ chuỗi liên kết và cơ chế đồng thuận.
Nó cung cấp môi trường tài nguyên Blockchain công cộng, giảm mạnh chi phí phát triển, lắp đặt, vận hành và bảo trì, kết nối tương tác và quản lý của các ứng dụng Blockchain, giúp công nghệ Blockchain được phổ cập và phát triển nhanh chóng, có ý nghĩa tích cực đối với việc thúc đẩy số hóa, thông minh hóa cơ sở hạ tầng của châu Á, thực hiện chuyển đổi động lực kinh tế và tăng trưởng bao trùm.
Trước sự trỗi dậy của các công nghệ thông tin mới và nền kinh tế số, những năm gần đây, Singapore đã tích cực và đi đầu trong việc mở rộng quan hệ đối tác trên lĩnh vực kinh tế số với các nước Trung Quốc, ASEAN, New Zealand, Australia, Chile…, ký kết hiệp định thương mại song phương kiểu mới - Hiệp định đối tác kinh tế kỹ thuật số (DEPA) - để thúc đẩy kết nối kỹ thuật số.
Nội dung hiệp định bao gồm hợp tác trên các phương diện thương mại điện tử, tương tác hệ thống kỹ thuật số xuyên biên giới, lưu thông tự do dữ liệu xuyên biên giới, sáng tạo dữ liệu, công nghệ tài chính…
Chẳng hạn, mạng lưới thành phố thông minh của ASEAN và tầm nhìn phát triển dữ liệu mở ASEAN cho phép tạo ra sự hội nhập kỹ thuật số kinh tế và thương mại của ASEAN.
Một ví dụ khác là thỏa thuận đường truyền dữ liệu kết nối các thành phố Trùng Khánh, Quảng Châu, Thượng Hải… với Singapore sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại số giữa Trung Quốc và Singapore.
Từ một quốc gia thương mại cho đến nền kinh tế kỹ thuật số hiện nay, Singapore có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế và triển khai các hệ thống và biện pháp hợp tác và kết nối kinh tế-thương mại quốc tế, cũng như xây dựng các tiêu chuẩn quản lý, giám sát công nghệ mới và nền kinh tế kỹ thuật số.
Ý nghĩa quan trọng của việc thúc đẩy nền kinh tế số châu Á
Thứ nhất, do chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, hiện nay trong thương mại toàn cầu đã xuất hiện xu thế tăng trưởng chậm mang tính kết cấu.
Đại dịch COVID-19 sẽ khiến nhiều nước phải suy ngẫm lại về toàn cầu hóa, đồng thời đánh giá và xem xét lại những rủi ro do phụ thuộc quá mức vào chuỗi sản xuất quốc tế, từ đó có thể tăng cường nội địa hóa và khu vực hóa hoạt động sản xuất của một số loại vật tư và hàng hóa nào đó, nên thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục thu hẹp.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), khối lượng thương mại toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 7%-9% so với năm 2019. Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại kỹ thuật số chặt chẽ hơn ở châu Á sẽ giúp các nước của châu lục này chống lại hoặc giảm bớt tác động của việc thương mại toàn cầu bị thu hẹp.
Thứ hai, do việc hình thành xu thế sản xuất khu vực hóa, cộng thêm trình độ phát triển kinh tế chênh lệch, nên chi phí các yếu tố sản xuất như đất đai, nguồn nhân lực của một số nước ASEAN tương đối vượt trội so với Trung Quốc, thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng triển khai bố trí một số khâu sản xuất ở các nước ASEAN.
Sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số có thể sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc hội nhập và hợp tác nghiệp vụ doanh nghiệp của các nước châu Á, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất mới của châu Á, đồng thời xây dựng con đường tơ lụa kỹ thuật số châu Á.
Thứ ba, theo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương” do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào tháng 10/2018, ở bất kỳ nhóm thu nhập nào trên thế giới, trình độ kỹ thuật số của các nền kinh tế châu Á cũng đều dẫn đầu các nước ở khu vực khác được xếp cùng nhóm. Hơn nữa, ngay cả trong các nền kinh tế châu Á tương đối nghèo, trình độ kỹ thuật số cũng đang liên tục tăng tốc. Theo đó, sáng tạo kỹ thuật số đóng góp gần 1/3 trong tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người trong 20 năm qua của châu Á.
Châu Á sẽ dẫn dắt trào lưu kỹ thuật số toàn cầu, sự phát triển của các nền kinh tế số châu Á sẽ giúp châu lục này thu được lợi ích quan trọng từ kỹ thuật số. Chẳng hạn, thương mại điện tử sẽ mang lại năng suất doanh nghiệp tương đối cao, kỹ thuật số có thể hỗ trợ tích cực cho việc hoàn thiện công tác thu thuế và tăng cường tính mục tiêu trong chi tiêu.
Thứ tư, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số châu Á, nhu cầu đối với đồng tiền kỹ thuật số thống nhất để thanh toán và quyết toán trong các giao dịch kinh tế, thương mại ở khu vực cũng sẽ tăng lên. Điều này sẽ cung cấp điều kiện có lợi cho đồng tiền kỹ thuật số, cho dù đó là việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc, hay việc phát triển một đồng tiền kỹ thuật số nào đó do các nước châu Á cùng xây dựng.
Sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số châu Á sẽ có lợi cho châu Á trong việc kiểm soát chủ quyền tiền tệ và vận mệnh tài chính của họ, mà không chịu sự ảnh hưởng của đồng USD hoặc đồng tiền kỹ thuật số quốc tế Libra sắp ra đời.
Cuối cùng, việc xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số châu Á sẽ tăng cường sức gắn kết của các nền kinh tế châu Á, đồng thời có vai trò đáng kể đối với việc hội nhập kinh tế, an ninh khu vực và thậm chí là ổn định chính trị của châu Á./.