“Cơ hội vàng” để tái khởi động quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn Độ

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong hai ngày 29 và 30/9 được đánh giá là “cơ hội vàng” để tái khởi động quan hệ song phương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Nhà Trắng, ngày 30/9. (Nguồn: PTI)

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Ấn đang căng thẳng, đặc biệt sau vụ bắt giữ nhà ngoại giao Ấn Độ tại New York hồi năm ngoái, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong hai ngày 29 và 30/9 được đánh giá là “cơ hội vàng” để tái khởi động quan hệ có tầm quan trọng chiến lược.

Đây là chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của ông Modi trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ.

Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác và hữu nghị sẵn có dựa trên nền tảng đối tác vững chắc trong quan hệ song phương, đồng thời cho rằng cần thúc đẩy quan hệ để mang lại lợi ích lâu dài cho hai nước cũng như thế giới.

Việc mở rộng quan hệ trước hết được thể hiện ở cam kết của Mỹ hỗ trợ 1 tỷ USD cho Ấn Độ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 lần từ mức 100 tỷ USD hiện nay và hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh hàng hải, khoa học vũ trụ, ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.

Tổng thống Obama khẳng định quan hệ song phương Mỹ-Ấn giữ vai trò then chốt trong chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, nơi hai nước cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác trong khu vực thông qua các cuộc đối thoại và tập trận chung.

Hai năm gần đây, quan hệ Mỹ-Ấn đã trải qua nhiều sóng gió liên quan đến những mâu thuẫn trong thương mại và ngoại giao, đặc biệt sau vụ các cơ quan chức năng Mỹ ra lệnh bắt giữ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York với cáo buộc gian lận giấy tờ, hộ chiếu và bóc lột sức lao động của người giúp việc.

Đáp lại, New Delhi trục xuất một quan chức ngoại giao Mỹ sau khi yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự Mỹ tại Ấn Độ trả lại thẻ căn cước. Ấn Độ cũng rút quy chế miễn trừ đối với các phái viên ngoại giao Mỹ ở Ấn Độ và giảm bớt các biện pháp an ninh bảo vệ phái đoàn ngoại giao Mỹ.

Trong lĩnh vực kinh tế, chính sách mở cửa của Ấn Độ đang gây nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư Mỹ, khiến Washington nản lòng. Nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia Nam Á này cũng là một “rào cản” trong quan hệ hai bên.

Theo ước tính, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ đã giảm mạnh từ 1,9 tỷ USD năm 2010 xuống chỉ còn 800 triệu USD năm 2013. Đặc biệt, việc New Delhi từ chối ký TFA vì bất đồng về vấn đề dự trữ lương thực và trợ cấp nông nghiệp khiến văn kiện này không thể được thông qua vào hạn chót ngày 31/7 càng khiến Mỹ không hài lòng.

Một vấn đề khác ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước là những quy định của Ấn Độ về trách nhiệm pháp lý trong phát triển năng lượng hạt nhân và việc các cơ quan tình báo Mỹ nghe lén lãnh đạo đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) khi đảng này còn ở vị trí đối lập.

Những thăng trầm trong các mối quan hệ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước đã hạ nhiệt kể từ khi chính phủ mới tại Ấn Độ lên cầm quyền với nhận thức chung rằng hai bên đang đứng trước “cơ hội vàng” để “phá băng” trong quan hệ song phương và hướng tới việc tạo ra một nguồn sức mạnh mới ở châu Á trong nỗ lực đối phó với các thách thức toàn cầu cũng như phát triển kinh tế, năng lượng.

Chính vì vậy, ngay khi kết quả bầu cử Hạ viện Ấn Độ được công bố ngày 16/5, Tổng thống Obama đã chúc mừng “thắng lợi lịch sử” của ông Modi và đảng BJP, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với vị tân Thủ tướng Ấn Độ trong việc thực hiện cam kết đặc biệt về quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn.

Theo ước tính của các nhà kinh tế, với việc làm ấm lại quan hệ song phương, quan hệ thương mại hai chiều có thể đạt mức 100 tỷ USD trong năm nay sau khi đã đạt 63 tỷ USD năm 2013. Quan hệ quân sự và quốc phòng giữa hai nước cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh khi Ấn Độ là khách hàng lớn nhất trên thị trường xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2013 (theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng IHS Janes).

Trên thực tế, trước khi ông Modi thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Mỹ, Washington đã có những động thái mở đường khi cử tới hai quan chức cấp cao là Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry tới Ấn Độ trong tháng 7.

Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Kerry đã khẳng định quan hệ hữu nghị với Ấn Độ là một trong những ưu tiên chiến lược dài hạn của Mỹ và hiện là “thời điểm chiến lược" để chuyển đổi quan hệ đối tác giữa hai nước.

Về phía Ấn Độ, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định xu hướng quan hệ giữa New Delhi với các nước lớn trong suốt nhiệm kỳ của chính phủ hiện nay. Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, Thủ tướng Modi đang có nhiều ưu thế trong việc khai thác đầy đủ tiềm năng quan hệ với Mỹ.

Tiến sỹ Raja Mohan - chuyên viên đặc biệt tại Viện nghiên cứu nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ - nhận định rằng sau hai chuyến thăm “hướng Đông” tới Nhật Bản và Trung Quốc, chuyến thăm “hướng Tây” lần này của ông Modi sẽ góp phần hoàn thiện chính sách ngoại giao đối với các nước lớn của chính phủ mới.

Rõ ràng, chuyến thăm của Thủ tướng Modi là “cơ hội vàng” cho cả Ấn Độ và Mỹ trong việc hồi sinh quan hệ song phương sau một thời gian sóng gió, đồng thời góp phần định hình mô hình quan hệ giữa các nước lớn trong thế kỷ 21./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục