Ngày 8/5, trong ngày làm việc thứ hai của hội nghị thường niên lần thứ 24 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về châu Phi, còn được gọi là "Davos châu Phi," các nhà lãnh đạo và đại biểu các nước tiếp tục tập trung thảo luận về cơ hội và giải pháp cho các thách thức kinh tế mà châu lục này đang phải đối mặt.
Hội nghị WEF năm nay, với chủ đề "Tiến tới tăng trưởng toàn diện, tạo việc làm," đã thu hút sự tham gia của hơn 900 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo kinh tế, học giả, chính trị gia.... đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục các khó khăn kinh tế của châu lục, cũng như tìm kiếm giải pháp cho vấn đề cải cách cấu trúc kinh tế ở các quốc gia châu Phi.
Phát biểu tại hội nghị kéo dài ba ngày tại thủ đô Abuja của Nigeria, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết Bắc Kinh ủng hộ "vô điều kiện" sự phát triển của châu Phi, đồng thời tuyên bố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ không can dự vào các vấn đề nội bộ của châu lục.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới châu Phi.
Hồi đầu tuần, ông cho biết Trung Quốc sẽ viện trợ bổ sung ít nhất 12 tỷ USD cho châu Phi, đồng thời đề xuất chia sẻ công nghệ tiên tiến nhằm giúp châu lục này phát triển hệ thống đường sắt cao tốc.
Nước chủ nhà của WEF năm nay, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất tại châu Phi, Nigeria cũng đã đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế, đưa quốc gia Tây Phi này vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2020.
WEF về châu Phi năm nay diễn ra trong bối cảnh Nigeria đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh, đặc biệt là các vụ tấn công và bắt cóc gần 300 nữ sinh do nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tiến hành.
Mới đây nhất, ngày 7/5, Boko Haram được cho đã tiến hành vụ thảm sát mới tại một thị trấn ở Đông Bắc Nigeria. Số người thiệt mạng ước tính lên tới hơn 300 người.
Kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy năm 2009 đòi thành lập nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria, nhóm Boko Haram đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia Tây Phi này. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 1.500 người thiệt mạng trong các vụ tấn công được cho là do Boko Haram thực hiện./.