Cơ hội từ nền kinh tế số cho thị trường tài chính-tiền tệ Việt Nam

Với thể chế chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang ở một vị trí chiến lược mới thu hút nguồn lực tài chính toàn cầu cho chiến lược chuyển sự tập trung vào hiệu quả sang tập trung vào an ninh.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 10/6, tại các phiên thảo luận ở hội thảo quốc gia "Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, lần 2" do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)-Trường Kinh doanh UEH, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Báo Sài Gòn Đầu tư tài chính phối hợp đồng tổ chức, các chuyên gia cho rằng, trong nền kinh tế số, nhiều mô hình kinh doanh mới sẽ ra đời, tồn tại song song để cạnh tranh và hỗ trợ lẫn nhau.

Thậm chí, những mô hình này xóa sổ mô hình kinh doanh truyền thống, dựa trên những ưu thế về chi phí và trải nghiệm khách hàng vượt trội nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Phát triển ngân hàng số

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tỷ trọng của kinh tế số đến năm 2025 là 20% và 2030 là 30% GDP, gần đây nhất Bộ Kế hoặc và Đầu tư còn đưa ra dự kiến đến 2030 kinh tế số chiếm 50% GDP.

Theo đó, một trong những mô hình kinh doanh có nhiều cơ hội phát triển là ngân hàng số, với phương thức cung cấp các dịch vụ ngân hàng chi phí rẻ và thời gian ngắn, cạnh tranh sòng phẳng với mô hình ngân hàng truyền thống. Đồng thời, cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong toàn bộ hệ thống tài chính-tiền tệ.

Hiện tại, nhiều quốc gia đã luật hóa khái niệm ngân hàng số và có thể hiểu là tổ chức được cấp phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như nhận tiền gửi, cho vay, đầu tư thông qua nền tảng số.

Cùng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng truyền thống thực hiện cung cấp thông qua những kênh truyền thống như đại lý, tư vấn, giao dịch viên hay tổng đài; còn ngân hàng số thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số.

Tham luận của nhóm chuyên gia tài chính như Tiến sỹ Trần Văn, Tiến sỹ Đào Minh Thắng cho thấy, ngân hàng số có những đặc điểm nổi bật, gồm cấu trúc số khi mọi hoạt động chính của ngân hàng số được thực hiện trên nền tảng số; vận hành trên nền tảng thông tin với dữ liệu là nguồn lực đầu vào quan trọng nhất, ngân hàng chủ động đưa ra các giải pháp về tài chính cho khách hàng dựa trên tình hình tài chính của khách hàng và khách hàng là trung tâm khi biến ngân hàng số trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của khách hàng.

[Insider bắt tay DTSVN, ngân hàng Việt thêm lựa chọn tăng tốc số hóa]

Nhờ công nghệ Internet vạn vật (Internet of things), dữ liệu lớn (Big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI)...

Ngân hàng số ngày càng khẳng định vai trò kết nối dịch vụ tài chính tới những khu vực khách hàng không đủ điều kiện hoặc không có khả năng tiếp cận với mạng lưới ngân hàng truyền thống và khi khoảng cách địa lý đã bị xóa bỏ và với việc mạng internet hầu như đã phủ sóng khắp nơi.

Ngân hàng số cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ và sự xuất hiện đầy thách thức của công ty fintech.

Chuyên gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận "Hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược cho Việt Nam". (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ở góc độ vận hành, ngân hàng số có thể xem fintech cung cấp sản phẩm ngân hàng, còn trên quan điểm sản phẩm thì ngân hàng số hoạt động trên nền tảng số. Do đó, ngân hàng số có thể là hệ quả của sự mở rộng của một fintech hay một ngân hàng đang hoạt động, hoặc cũng có thể xuất hiện độc lập.

Để phát triển mô hình ngân hàng số ở Việt Nam, rất cần một khung khổ pháp lý làm cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng số. Bên cạnh đó, sớm xây dựng được quy tắc chia sẻ dữ liệu khách hàng nhằm xác định được những dữ liệu có thể chia sẻ, dữ liệu không thể chia sẻ và những dữ liệu cần sự đồng ý của khách hàng để chia sẻ, hướng tới ngân hàng mở (Open Banking) trong dài hạn.

Mặt khác, đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ban hành cơ chế cho các ngân hàng, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, tiếp cận dữ liệu, phát triển hệ sinh thái người dùng.

Từ đó, làm cơ sở phát triển định danh điện tử đối với công dân, tiến tới định danh trực tuyến theo nguyên tắc phân quyền truy cập theo chức năng quản lý nhà nước, từng bước số hóa giao dịch điện tử của người dân, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư toàn diện nhất.

Trung tâm tài chính khu vực

Hậu dịch COVID-19, cùng với xung đột Nga-Ukraine khiến cho thế giới kinh doanh đang nhìn vào một vài quốc gia khu vực châu Á cho một giải pháp thay thế khác cho những thị trường trước đây.

Với thể chế chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang cho thấy ở một vị trí chiến lược mới thu hút nguồn lực tài chính toàn cầu cho chiến lược chuyển sự tập trung vào hiệu quả sang tập trung vào an ninh, chẳng những đối với nhà đầu tư nước ngoài mà còn cho chính Việt Nam.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh nhà đầu tư quốc tế ngày càng khó tiếp cận thị trường tài chính Trung Quốc, mới đây Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... đã cùng nhau phát động Sáng kiến chuỗi cung ứng bền bỉ (SCRI). Điều này mang lại động lực cho các công ty của họ di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Điển hình, hiện nay Nhật Bản có tài sản ròng ở nước ngoài lên tới 365.000 tỷ yen, lớn nhất thế giới. Nhiều dữ liệu cũng cho thấy, các công ty Nhật Bản đã nhanh chóng mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu, với hơn một nửa doanh thu nhận được bên ngoài nước.

Nhật Bản nằm trên một "núi tiền mặt" lên đến 1.008.000 tỷ yen (9.250 tỷ USD). Còn những hộ gia đình Nhật Bản giữ 54% tài sản dưới dạng tiền mặt, trong khi chỉ có 14% đối với hộ gia đình ở Mỹ hoặc 35% của hộ gia đình ở các nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU).

Giáo sư-Tiến sỹ Trần Ngọc Thơ, Trường Kinh doanh-UHE cho biết, với bối cảnh địa tài chính hiện nay, việc hình thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực cho Việt Nam là chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, hầu như chưa có bất kỳ chú ý nào về khía cạnh địa tài chính khu vực và quốc tế về sự cần thiết cho việc ra đời của trung tâm tài chính quốc tế, nhằm tận dụng cục diện địa kinh tế-chính trị mới.

Còn theo Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, thị trường tiền mã hóa đang thu hút một lượng lớn đầu tư, trong đó những nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) đang chiếm tỷ trọng lớn, đã thu hút hơn 140 tỷ USD. Còn tổng giá trị vốn hóa của các đồng tiền mã hóa đã vượt 1.000 tỷ USD (chỉ riêng bitcoin đã vượt 500 tỷ USD vốn hóa).

Nhà đầu tư tham gia thị trường này, không chỉ là nhà đầu tư cá nhân mà còn có các nhà đầu tư tổ chức. Ngoài ra, nhà đầu tư phân bổ vốn vào thị trường tiền mã hóa như một kênh đầu tư thay thế trong bối cảnh lãi suất thấp.

Mặc dù, mọi tranh luận hiện vẫn còn xoay quanh vào việc xác định hình hài của trung tâm tài chính quốc tế với những trụ cột chính như ngân hàng, thị trường chứng khoán, fintech và sàn giao dịch hàng hóa phái sinh...

Nhưng nếu Việt Nam hình thành một trung tâm tài chính quy mô khu vực hoặc các khu vực kinh tế-hành chính đặc biệt với những ưu đãi thuế thu nhập cận biên ở mức thấp, không có thuế đối với tài sản thừa kế, thu nhập vốn và cổ tức, sẽ là cơ hội để hấp thụ nguồn tiết kiệm khổng lồ từ các nước, cũng như thu hút các công ty đa quốc gia hàng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục