Cơ hội từ dệt may Việt Nam hấp dẫn nhiều doanh nghiệp Ấn Độ

Để hưởng lợi từ TPP, Việt Nam phải chuyển đổi sang tự sản xuất nguyên liệu trong nước - đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia đầu tư các chuỗi sản xuất và cung ứng tại Việt Nam.
Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Huy Bình/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, chiều 2/6, Hội nghị Cơ hội đầu tư vào các nước CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) đã được tổ chức tại Coimbatore, thành phố dệt may lớn nhất khu vực miền Nam của Ấn Độ.

Hội nghị do Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Ấn Độ (Exim Bank) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Hiệp hội dệt may Nam Ấn tổ chức nhằm triển khai gói hỗ trợ 100 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ cho các công ty của nước này đầu tư vào các nước CLMV, với trọng tâm là lĩnh vực dệt may tại Việt Nam.

Tham dự Hội nghị lần này có đại diện từ gần 70 doanh nghiệp dệt may lớn của Ấn Độ tại Coimbatore như Laxmi Group, The Kurd and Mills Group, Elgi Equipments, KG Denim, K.P.R. Mill, Premier Mills Private...

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã bày tỏ ấn tượng về sự phát triển lâu đời và trình độ cao của ngành dệt may Ấn Độ nói chung và của thành phố Coimbatore nói riêng.

Đại sứ cho biết cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Đổi mới, ngành dệt may Việt Nam cũng đã có những bước phát triển nhanh chóng, góp phần làm tăng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam còn bị phụ thuộc rất lớn về nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Do vậy, để được hưởng lợi từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với quy định rất nghiêm ngặt về xuất xứ từ “Sợi trở lên,” Việt Nam cần phải chuyển mạnh sang tự sản xuất nguyên liệu trong nước. Đây chính là cơ hội cho các tập đoàn dệt may Ấn Độ tham gia đầu tư vào các chuỗi sản xuất và cung ứng tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Exim Bank Mukal Sarkar, qua chuyến khảo sát mới đây tại các nước CLMV, đã đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, với những điều kiện thuận lợi như cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, nguồn nhân lực dồi dào và rẻ, chính phủ có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư, môi trường xã hội ổn định và thân thiện.

Ông Sarkar nhấn mạnh những cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư Ấn Độ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung và đại diện của Công ty Bất động sản Viglacera, Khu Công nghiệp Đình Vũ cũng trình bày các cơ hội và dự án kêu gọi đầu tư cụ thể vào dệt may ở miền Trung, những thuận lợi về vị trí, thủ tục và dịch vụ hỗ trợ đầu tư tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã bày tỏ quan tâm đến khả năng cho vay đầu tư hoặc hỗ trợ tín dụng khi đầu tư vào Việt Nam, khả năng thành lập các kho ngoại quan tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục