Cơ hội thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016 đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp cả hai bên trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu.
Cơ hội thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu ảnh 1Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có nhiều tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy trao đổi thương mại trong những năm tới.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo giới thiệu về thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (Vietnam-EAEU FTA)” do Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/8.

Tín hiệu khả quan

Liên minh kinh tế Á-Âu có năm nước thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia, với tổng GDP cả khối chiếm 3,2% GDP toàn cầu.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Vietnam-EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016 đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp cả hai bên trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu; trong đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường 183 triệu dân, tổng GDP đạt gần 2,2 nghìn tỷ USD.

Ngược lại, doanh nghiệp các nước thành viên EAEU sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam và tiềm năng mở rộng hợp tác với ASEAN.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy sau gần một năm thực thi Vietnam-EAEU FTA, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EAEU đã có sự tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh EAEU đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng 10%, xuất khẩu của Liên minh sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%.

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, thương mại giữa Việt Nam và khối Liên minh EAEU tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 1,7 tỷ USD và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016.

Hiện nay, có khoảng 900 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sang EAEU; trong đó khoảng 200 doanh nghiệp là có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng thủy sản, càphê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại...

Ông Kharinov V.N, Trưởng đại diện Cơ quan thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu. Nhờ đó, hai bên có nhiều động lực để thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, trong đó, trao đổi thương mại Việt Nam-Nga đã có bước tăng trưởng rõ nét nhất.

Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm, than, thép, các sản phẩm ngành công nghiệp giấy, công nghiệp hóa chất của Nga vào Việt Nam tăng nhanh. Ngược lại, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như linh kiện điện thoại di động, các sản phẩm điện tử, quần áo, giày dép, nông sản... cũng đạt mức tăng trưởng tốt.

Chủ động tìm hiểu thị trường

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc Việt Nam và Liên minh EAEU bắt tay nhau thông qua Vietnam-EAEU FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho việc tối ưu hóa hiệu quả các cam kết đã đạt được.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mặc dù kim ngạch song phương của Việt Nam với toàn khối EAEU đã tăng trưởng lạc quan nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Việt Nam và EAEU có nhiều lợi thế mang tính bổ sung cho nhau nhưng kim ngạch thương mại song phương chỉ mới đạt hơn 3 tỷ USD/năm.

Thêm vào đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên EAEU chưa có sự tăng trưởng đồng đều. Điển hình như các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua chủ yếu đẩy mạnh trao đổi thương mại với Nga, còn các thành viên khác trong khối EAEU như Belarus, Armenia... chưa được khai thác.

Cơ hội thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu ảnh 2Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trên thực tế, tăng trưởng thương mại Việt Nam-EAEU chủ yếu tạo nên bởi sự gia tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga. Kim ngạch song phương Việt Nam-Nga tăng trưởng nhanh và chiếm hơn 90% trong tổng giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Trong khi đó, trao đổi thương mại song phương năm 2016 của Việt Nam với Kyrgyzstan chỉ cầm chừng, trao đổi song phương với Belarus, Armenia thậm chí còn giảm so với năm 2015.

Lý giải tình trạng trên, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết trong liên minh EAEU thì Nga là thành viên có quan hệ thương mại truyền thống với Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường có quy mô lớn nhất. Vì vậy, khi Vietnam-EAEU FTA có hiệu lực, doanh nghiệp hai nước nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

[FTA Việt Nam-EAEU tạo cơ hội cho xuất khẩu và hợp tác kinh tế]

Mặt khác, theo điều khoản của Vietnam-EAEU FTA, Việt Nam phải xuất thẳng các lô hàng vào khối EAEU mà không được chia nhỏ tại nước thứ 3. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được nhu cầu cụ thể của các quốc gia như Kyrgyzstan, Belarus và Armenia nên lựa chọn xuất khẩu vào thị trường Nga.

Để tối ưu hóa những lợi thế mà Vietnam-EAEU FTA mang lại cho Việt Nam, bà Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu của các quốc gia thành viên trong liên minh. Đồng thời, cần nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tác nhằm tận dụng lợi thế so sánh trước khi EAEU ký kết hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng để đẩy mạnh trao đổi thương mại, đặc biệt là nâng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp không có cách nào khác là sớm điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm hàng hóa.

Có như vậy, hàng Việt mới đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại ngay chính trên sân nhà và mở rộng thị trường tiêu thụ quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục