Trong hai ngày 17-8/9, những Ngày Di sản châu Âu đã diễn ra trên khắp châu Âu. Đây là cơ hội để dân chúng và khách du lịch được thăm quan miễn phí các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa của các nước châu Âu.
Trên thực tế, tổ chức Ngày Di sản là ý tưởng của người Pháp. Đây là năm thứ 33 liên tiếp Pháp tổ chức Ngày Di sản châu Âu.
Năm 1984, theo sáng kiến của Bộ Văn hóa Pháp, Ngày Di sản được tổ chức vào ngày Chủ Nhật tuần thứ ba của tháng Chín.
Từ năm 1985, học theo kinh nghiệm của Pháp, nhiều nước châu Âu bắt đầu tổ chức các sự kiện tương tự vào cùng thời điểm trong năm. Vào năm 1991, trước thành công rực rỡ của Ngày Di Sản tại các nước, Hội đồng châu Âu đã chính thức cho ra đời Những Ngày Di sản châu Âu.
Trên toàn châu Âu, có 50 nước hiện tham gia tổ chức sự kiện văn hóa thường niên này.
Mỗi năm, Những Ngày Di sản châu Âu xoay quanh một chủ đề và được gọi tên dựa theo chủ đề đó, chẳng hạn chủ đề năm 2012 là "Những di sản tiềm ẩn," chủ đề năm 2015 là "Di sản của thế kỷ 21 - câu chuyện tương lai." Năm nay, Ngày Di sản châu Âu có chủ đề "Di sản và toàn thể công dân."
Tại Pháp, hàng chục nghìn công trình của nhà nước và tư nhân đã mở cửa đón khách trong dịp này.
Bên cạnh những công trình kiến trúc, lịch sử nổi tiếng như Cung điện Versailles, Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Bảo tàng Louvre, du khách còn được tham quan trụ sở của chính quyền, các cơ quan hành chính, bộ, ngành như Phủ Tổng thống, Dinh Thủ tướng, trụ sở Thượng viện, Hạ viện, trụ sở Bộ Văn hóa, trụ sở của ngành cảnh sát điều tra, Ngân hàng quốc gia Pháp, Tòa thị chính Paris…
Ngoài ra, Ban tổ chức còn khuyến khích du khách đến thăm những công trình ít được chú ý nhưng lại có thể tạo cho du khách những trải nghiệm lý thú, chẳng hạn như các đài truyền hình, phát thanh, hệ thống lọc nước, các hang động, hầm mộ, hậu trường các nhà hát, rạp phim…
Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp, năm 2015, tổng cộng 17.000 công trình mở cửa đón 12 triệu lượt khách trong hai ngày Di sản châu Âu./.