Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được nhận định có nhiều thuận lợi từ việc giá sản phẩm có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Trong khi đó, giá cước vận chuyển cũng tăng phi mã cùng là thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, những khó khăn này đã hiện hữu từ năm 2020, nhưng các doanh nghiệp ngành gạo đã vượt qua để có lợi nhuận tăng trưởng cao, thậm chí đạt mức kỷ lục nhiều năm.
Xuất khẩu tăng mạnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng mạnh 48,6% so với 2 tháng đầu năm 2021, thu về gần 469,26 triệu USD, tăng 30,6%, giá trung bình đạt 481,5 USD/tấn, giảm 12%.
Các doanh nghiệp nhận định thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch COVID-19. Nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine sẽ khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Dù 2 tháng đầu năm, tăng trưởng trong xuất khẩu gạo nhờ vào tăng khối lượng xuất khẩu. Nhưng đến tháng 3, giá gạo đã có xu hướng tăng mạnh.
[Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt vẫn đói các đơn hàng lớn]
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá gạo châu Á có diễn biến tăng mạnh và theo xu hướng chung của khu vực, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021, là 410-415 USD/tấn vào ngày 10/3, so với mức tương ứng 400 USD/tấn vào tuần trước đó, trong bối cảnh nhu cầu tăng và xung đột Ukraine-Nga khiến các khách hàng từ những nước khác thuộc châu Á chuyển sang mua gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, mặt hàng phụ phẩm như tấm, cám gạo ở các địa phương đã có sự điều chỉnh tăng mạnh, trung bình từ 250-360 đồng/kg. Cụ thể, giá tấm 1/2 có giá cao nhất đã lên tới 8.300 đồng/kg, trung bình thị trường là 7.981 đồng/kg. Giá cám cũng lên tới 8.150 đồng/kg.
Việc giá các sản phẩm tấm, cám tăng lên một phần cũng bởi nguồn cung thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gặp khó khăn, khiến nhu cầu các sản phẩm này thêm cao.
Việc giá gạo và các phụ phẩm từ gạo tăng cao được nhận định là có lợi cho doanh nghiệp. Nhưng ở chiều ngược lại, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình, vấn đề các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là chi phí cho logistics ngày càng cao hơn.
Nhiều doanh nghiệp đã không chào hàng giá CIF ( điều kiện giao hàng tại cảng xếp dỡ hàng) như trước mà chào giá FOB (điều kiện giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên boong tàu) tại cảng Tp. Hồ Chí Minh. Bởi vậy, tình hình xuất khẩu gạo cũng khó do phí vận tải quá cao, doanh nghiệp phải tính toán kỹ hơn.
Theo MXV, chi phí vận chuyển đã tăng lên đáng kể từ khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine, với chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 50% và chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa tăng 70-80%.
Doanh nghiệp lãi đậm
Thực tế, những khó khăn của doanh nghiệp ngành gạo về chi phí vận chuyển tăng cao đã xuất hiện từ năm 2020. Nhưng nhiều doanh nghiệp ngành gạo đã tận dụng hiệu quả cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu, từ đó đạt doanh thu và lợi nhuận cao.
Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gạo chưa ra báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022, nhưng nhìn vào doanh thu và lợi nhuận đạt được năm 2021 có thể thấy, doanh nghiệp gạo đang “ăn nên làm ra.”
Cụ thể năm 2021, lợi nhuận ròng của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) đạt hơn 421 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 năm trở lại đây của doanh nghiệp gạo này.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hiện vận hành hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long với năng lực sấy gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn đáp ứng được nhu cầu khối lượng lớn từ các thị thường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Tiếp đến, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang-Angimex (mã chứng khoán: AGM) có doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt 3.903 tỷ đồng và 47,36 tỷ đồng, lần lượt tăng 80% và 35% so với kế hoạch đề ra trước đó.
Tính riêng quý 4 năm 2021, doanh thu của Angimex đạt 1.570 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 24,86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020, còn số này chỉ là 5,8 tỷ đồng.
Trước kết quả kinh doanh khả quan này, Angimex đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2022 đạt 8.004 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng 70 tỷ đồng; lần lượt tăng gấp đôi và tăng 48% so với ước thực hiện năm 2021.
Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam-Vinaseed (mã chứng khoán: NSC) cũng báo cáo có doanh thu 1.931 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 18,1% so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế đạt 249 tỷ đồng, hoàn thành 94% kế hoạch.
Lợi nhuận sau thuế gần 226 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2020. Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng cao là do công ty mở rộng thêm được thị trường gạo và xuất khẩu gạo.
Một trong những doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu gạo là Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR). Năm ngoái, công ty có kết quả kinh doanh rất khả quan. Cụ thể, công ty đạt doanh thu 3.120 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020, lãi sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước đó.
Thậm chí quý 4 năm 2021, lãi sau thuế của doanh nghiệp còn gấp 7 lần cùng kỳ năm 2020, đạt 43,7 tỷ đồng. Thực tế, doanh nghiệp liên tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong những năm qua dù phải đối phó với khó khăn từ dịch COVID-19.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), hoạt động kinh doanh chính của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) là bán các loại gạo, bao gồm cả gạo có thương hiệu và gạo xá.
Công ty tiêu thụ 85% sản lượng gạo nội địa và 15% còn lại là xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, công ty cung cấp gạo cho các đại lý gạo và chuỗi siêu thị Winmart.
Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Trung Quốc chiếm 27%, Malaysia chiếm 25%, Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 12,8% và Philippine chiếm 10%. Công ty có xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhưng hiện tỷ trọng vẫn chưa nhiều, chỉ chiếm 5%.
Trong năm 2021, công ty đã trúng thầu xuất khẩu 48 nghìn tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Đơn hàng này sẽ được xuất đi trong khoảng nửa đầu năm 2022.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An hiện có 6 nhà máy gạo tại Cần Thơ với tổng công suất 360 nghìn tấn gạo/năm. Công ty thu mua lúa từ nông dân trong vùng liên kết, sau đó đưa vào chế biến và sản xuất ra gạo.
Theo SSI, các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang và Đồng Tháp có chủ trương giao cho doanh nghiệp 50 nghìn ha để thực hiện liên kết bao tiêu giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Hiện tại đã thực hiện được khoảng 20 nghìn ha.
Với những kết quả này, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 đạt 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với kế hoạch năm 2021.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực và triển vọng sáng của ngành gạo năm 2022, trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành lúa gạo hầu hết tăng giá dù thị trường chứng khoán diễn biến không mấy tích cực. Tính từ cuối năm 2021 đến hết phiên 17/3, LTG tăng gần 11%, NSC tăng 15,6%, AGM tăng hơn 60%. Ở chiều ngược lại, TAR giảm hơn 9,6%./.