Cơ hội nâng thị phần ngành hàng thời trang tại thị trường châu Phi

Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng đầu tư tại một số thị trường lớn ở châu Phi để tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có.
Cơ hội nâng thị phần ngành hàng thời trang tại thị trường châu Phi ảnh 1Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu tại hội nghị giao thương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông tin tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - châu Phi 2022 được tổ chức mới đây, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hoá của Việt Nam; trong đó có hàng dệt may, da giày, phụ kiện thời trang các loại...

Thương mại 2 chiều tăng mạnh

Theo đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, với dân số và thu nhập của người dân châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may, da giày do thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết nhu cầu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng thời trang ở châu Phi đang tăng lên, tuy nhiên chưa có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng khu vực châu Phi biết đến các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Nam.

Trong khi đó, ngành sản xuất dệt may và da giày tại Việt Nam rất phát triển, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn với mức độ yêu cầu cao từ nhiều phân khúc thị trường trên thế giới nhưng mức độ cung ứng cho thị trường khu vực châu Phi chỉ chiếm số lượng và kim ngạch hết sức hạn chế.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các thị trường châu Phi từ mức 2,5 tỷ USD vào năm 2010 đã tăng 2,5 lần lên 6,25 tỷ USD vào năm 2020.

Riêng năm 2021, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này vẫn đạt 3,36 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020.

Với những kết quả nổi bật trên, theo ông Hoàng Đức Nhuận, Thương vụ Việt Nam tại Algieria, các sản phẩm giày dép của Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

Đơn cử tại Algeria, khả năng cung ứng trong nước của ngành công nghiệp giày dép nước này mới đáp ứng khoảng 5% nhu cầu tiêu dùng, còn lại khoảng 95% vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác. Trong khi đó, nhập khẩu mặt hàng này của Algieria từ Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Do vậy, với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hoá của Việt Nam, trong đó có hàng dệt may, da giày.

Bắt tay tận dụng lợi thế xuất khẩu

Tại nhiều nước châu Phi, ngành công nghiệp dệt may còn chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào. Đặc biệt, các nước châu Phi, nhất là Nam Phi, Nigeria, Kenya có nhu cầu lớn về hàng dệt may, giày dép.

Đánh giá cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với ngành thời trang Việt Nam trong bối cảnh mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết thị trường châu Phi rất tiềm năng, dư địa còn nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Mai cũng đề nghị các doanh nghiệp cần khảo sát, theo dõi con số thống kê từ các tham tán thương mại để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào châu Phi cũng như đầu tư các nhà máy may.

Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng đầu tư tại một số thị trường lớn tại châu Phi để tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, sẵn có để sản xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu nước sở tại và xuất khẩu.

Đại diện VITAS cũng hy vọng các doanh nghiệp châu Phi có thể tham gia đầu tư vào các công đoạn trong chuỗi sản xuất xanh, bền vững các sản phẩm thời trang của Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển.

Ngược lại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có thể tăng nhập khẩu bông nguyên liệu từ khu vực Tây Phi, Trung Phi... cũng như nghiên cứu đầu tư sản xuất tại các nước châu Phi để tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu của những nước này.

Tuy vậy, các chuyên gia và thương vụ Việt Nam cũng khuyến nghị trong hợp tác với doanh nghiệp châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới tập quán kinh doanh, thời gian, ngôn ngữ để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đặc biệt là phương thức thanh toán để tránh những rủi ro khi hợp tác kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục