Với việc được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) mở ra cơ hội lan tỏa mạnh mẽ những giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt, đồng thời khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Hải Dương.
Biểu tượng của truyền thống hiếu học
Văn miếu Mao Điền thuộc thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu là di tích lớn thứ hai trong hệ thống Văn miếu Việt Nam, là nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa.
Di tích được khởi dựng vào thế kỷ XV tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, đến thời Quang Trung cuối thế kỷ 18 được di chuyển về xã Mao Điền, sáp nhập với trường học, trường thi (nơi thi cử thời phong kiến) và trở thành nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sỹ Nho học hàng đầu cả nước.
Năm 1992, Văn miếu Mao Điền được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng, Văn miếu Mao Điền đã trở thành khu di tích lớn của Hải Dương với tổng diện tích lên tới 7ha.
Từ năm 2002 đến 2016, nhiều hạng mục công trình tiếp tục được tu bổ, tôn thêm vẻ đẹp vốn có của Văn miếu. Năm 2017, Văn miếu Mao Điền được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.
Văn miếu Mao Điền thờ Đức Thánh Khổng Tử và tám vị đại khoa-danh nhân đất Việt gồm: Nhà giáo Chu Văn An; Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Nhập nội hành khiển, Tiến sỹ Phạm Sư Mệnh; Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh; Anh hùng dân tộc danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Thần toán Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Hữu; Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ - nữ Tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử, khoa học, Văn miếu Mao Điền là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của trấn Hải Dương xưa, tỉnh Hải Dương nay.
Lễ hội Văn miếu Mao Điền được tổ chức một năm hai kỳ, vào mùa Xuân và mùa Thu (trong đó, lễ hội mùa Xuân là lễ chính diễn ra vào tháng Hai âm lịch) trở thành dịp để tưởng nhớ các bậc tiền nhân của đất nước, tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của các thế hệ người dân Hải Dương.
Ngày nay, nơi đây trở thành địa chỉ khuyến học, khuyến tài, hàng năm đón hàng vạn lượt du khách.
Năm 2023, Văn miếu Mao Điền đã đón 23.500 lượt khách tham quan, dâng hương. Năm 2024, lượng du khách đến với Văn miếu tăng cao. Tính đến hết tháng 11/2024, di tích đã đón hơn 30.000 lượt du khách, tăng 20% so với cùng kỳ.
Phát huy giá trị di tích và tài nguyên du lịch
Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định 3259/QĐ-UBND ngày 6/12/2024 công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng) là Khu du lịch cấp tỉnh.
Như vậy, tính đến nay, Hải Dương đã có 19 khu, điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó Văn miếu Mao Điền là một trong sáu khu du lịch cấp tỉnh được công nhận.
Đây là cơ sở quan trọng cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch, nâng cao ý thức của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong công tác phát triển du lịch. Đồng thời hướng tới chuyên nghiệp hóa việc quảng bá, vận hành, khai thác các tài nguyên du lịch của địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương giao Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng chỉ đạo Ban Quản lý Di tích huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tỉnh Hải Dương cũng giao Cẩm Giàng ban hành quy chế, nội quy quản lý và khai thác khu du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch, Luật Di sản Văn hóa, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định có liên quan.
Tỉnh giao Cẩm Giàng xây dựng nội dung thuyết minh, các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu về Khu du lịch cấp tỉnh Văn miếu Mao Điền nhằm phát huy giá trị của khu du lịch; xây dựng nội dung thuyết minh, các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu nhằm phát huy giá trị của khu du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng thực hiện tốt các nội dung trên.
Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết, việc được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh là một cơ hội để lan tỏa và quảng bá những giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích.
Để đổi mới và nâng cao chất lượng việc quảng bá các giá trị của Văn miếu, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng hiện đang tích cực triển khai số hóa các hình ảnh, hiện vật, làm đẹp cảnh quan, môi trường, chú trọng cải tiến chất lượng phục vụ du khách.
Cùng với đó, Ban Quản lý di tích liên kết với các đơn vị lữ hành, trường học trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour liên kết, thu hút du khách.
Cùng với việc bảo đảm môi trường, an ninh trật tự cho nhân dân, du khách đến với di tích, huyện Cẩm Giàng cũng tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch của địa phương, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.
Ban Quản lý và chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch tham gia bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích./.
Hải Dương: Quan tâm tôn tạo khuôn viên di tích cửu phẩm liên hoa bằng đá
Sau hơn 20 năm được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, di tích cửu phẩm liên hoa đang bị rêu mốc bám bề mặt, xuất hiện khe hở ở chân đế và góc, cạnh của các tầng tháp, sứt vỡ tại các diềm mái.