Cơ hội hợp tác Việt-Trung trong ngành linh kiện ôtô hạng nặng

Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh linh kiện xe hạng nặng như gầm xe, cabin, hộp số, động cơ...
Cơ hội hợp tác Việt-Trung trong ngành linh kiện ôtô hạng nặng ảnh 1Dây chuyền lắp ráp ôtô tại nhà máy THACO (Khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Tọa đàm hợp tác doanh nghiệp ngành linh kiện ôtô hạng nặng Việt Nam-Trung Quốc 2017.

Buổi tọa đàm nhằm tăng cường sự hiểu biết và tìm kiếm đối tác hợp tác giữa hai bên.

Ông Phạm Quang Thịnh, Phó trưởng Ban Quan hệ quốc tế-VCCI cho hay đoàn doanh nghiệp sang làm việc lần này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh linh kiện xe hạng nặng như gầm xe, cabin, hộp số, động cơ.

Đây là dịp tốt để doanh nghiệp của Trung Quốc giới thiệu về năng lực sản xuất linh kiện xe ôtô hạng nặng của mình với doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt gặp gỡ giao lưu trực tiếp, tìm hiểu thị trường, và tìm kiếm đối tác với các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Theo ông Liu Chang Yong, Chủ tịch Hiệp hội linh kiện ôtô hạng nặng thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hiệp hội có hơn 500 doanh nghiệp thành viên, xuất khẩu hàng tới hơn 100 quốc gia trên thế giới, doanh số hàng chục tỷ USD.

[Vực dậy ngành ôtô: Không chỉ là ý chí của doanh nghiệp]

"Chúng tôi đến Việt Nam với mục đích tăng cường hiểu biết, mong muốn cùng với doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, phát triển cùng có lợi," ông Yong nói.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp hai bên đã giới thiệu và gặp gỡ, tìm hiểu trực tiếp và tìm đối tác.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2016, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt khoảng 70 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD, nhập khẩu hơn 50 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 3/2017, số dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là hơn 1.500 dự án, tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào chế biến, chế tạo công nghiệp và khai khoáng…

Báo cáo từ Vụ Công nghiệp nặng-Bộ Công Thương cho biết thời kỳ ôtô hóa dự báo sẽ diễn ra sau năm 2020 và nhu cầu thị trường ôtô trong nước vào năm 2025 có thể lên trên 600.000 xe/năm. Năm 2016, đã có trên 400 doanh nghiệp lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất lắp ráp ôtô khoảng 17%/năm.


[Truy nguồn gốc, số lượng từng lô xe BMW nhập khẩu vào Việt Nam]

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; cùng với đó là cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược này, trong đó, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng, kích cầu thị trường, nghiên cứu đầu tư... làm tiền đề cho sự phát triển ngành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục