Chiều 8/5, tại thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền thành phố Trùng Khánh đã phối hợp tổ chức “Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại và logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc (Trùng Khánh)”.
Tham dự tọa đàm có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Lưu Quế Bình, đại diện các bộ, ngành, địa phương và hơn 200 doanh nghiệp của hai nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh năm 2017 chứng kiến bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; hợp tác trên các lĩnh vực đạt nhiều thành quả nổi bật, trong đó kim ngạch thương mại song phương vượt 100 tỷ USD, người dân hai nước qua lại đạt 10 triệu lượt người.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đứng thứ 8 trên toàn thế giới.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đứng thứ 8 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đại sứ khẳng định Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng chất lượng và tính bền vững; ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp sinh học hữu cơ, kinh tế số…
Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trùng Khánh đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, quan tâm lợi ích của người lao động, an sinh xã hội và hoạt động cộng đồng tại Việt Nam.
Việt Nam mong muốn phía Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh mà Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như hàng nông sản, thịt lợn, sữa, tạo thuận lợi thông quan và quá cảnh cho hàng hóa Việt Nam, từng bước đưa quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng hơn.
[Việt-Trung tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương]
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá tọa đàm là dịp để Bộ Công Thương và các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại nói chung và hợp tác trong lĩnh vực logistics (hậu cần và kho vận) đầy tiềm năng giữa Việt Nam-Trùng Khánh nói riêng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, thị trường dịch vụ logistics, Việt Nam có tiềm năng rất lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình từ 20-25%/năm).
Theo chỉ số Năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 Việt Nam xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định với tuyến vận tải container đường sắt hướng Nam nối Trùng Khánh với Việt Nam qua Bằng Tường thuộc tỉnh Quảng Tây, Tây Nam Trung Quốc, có chiều dài 1.400km và thời gian vận chuyển giảm xuống còn 45 giờ trên toàn tuyến, hàng hóa đến và đi từ Hà Nội hoặc Trùng Khánh sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi tỏa ra các nước ASEAN hoặc các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng, nếu hợp tác, quản lý và khai thác tốt, tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực logistics giữa doanh nghiệp hai bên, cung cấp thêm một sự lựa chọn hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa, trong đó bao gồm các mặt hàng hoa quả nhiệt đới, nông sản, thủy hải sản xuất khẩu giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phố sâu trong nội địa Trung Quốc cũng như các nước châu Âu, Tây Á và ngược lại.
Giới thiệu về tuyến vận tải hướng Nam nối thành phố Trùng Khánh với Việt Nam và các nước ASEAN, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Lưu Quế Bình cho biết vận tải đa phương thức kết hợp đường sắt và đường biển; vận tải đường bộ qua biên giới và liên vận đường sắt quốc tế là ba hình thức tổ chức vận tải chính của tuyến đường hướng Nam, góp phần kết nối Trùng Khánh, các địa phương phía Tây Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN; hy vọng doanh nghiệp hai bên tăng cường niềm tin và quyết tâm để tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác.
Cũng tại buổi tọa đàm, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai bên, Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam và Phòng Thương mại thành phố Trùng Khánh đã ký Thỏa thuận về tăng cường hợp tác logistics; nhiều doanh nghiệp hai bên đã ký kết các thỏa thuận, chương trình hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Ngoài ra, đại diện hơn 200 doanh nghiệp hai nước cũng tiến hành gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và liên kết trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và logistics./.