Trong khuôn khổ chuyến công du tới ba nước châu Phi-Trung Đông từ ngày 9-15/3, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rouhani.
Trong chuyến thăm Tehran lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế quan trọng như tài chính, ngân hàng và dầu khí, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế.
Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973. Trong hơn 40 năm qua, quan hệ ngoại giao hai nước đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, văn hóa, giáo dục và khoa học-kỹ thuật.
Việt Nam và Iran đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng, theo đó Iran luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất xi măng, phân bón...Đây là những lĩnh vực Iran có lợi thế so sánh. Quốc gia Trung Đông này cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
Tuy nhiên, các số liệu cho thấy, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Iran còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Trao đổi thương mại song phương dù tăng đáng kể từ 6,5 triệu USD năm 2001 lên 185,6 triệu USD năm 2011 nhưng đã giảm mạnh xuống còn 106,7 triệu USD năm 2015, trong đó xuất khẩu của Việt Nam chiếm 72,3%.
Nguyên nhân chủ chốt là do Iran hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế, hai bên chưa thống nhất được các phương thức thanh toán, cũng như giới doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về thị trường của nhau. Hợp tác đầu tư cũng vấp phải không ít khó khăn.
Năm 2008, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí quốc gia Iran (NIOC) đã ký hợp đồng thăm dò và phát triển dầu khí lô Danan. Sau thời gian triển khai bước đầu, tình hình tại Iran có những diễn biến phức tạp do lệnh cấm vận của Mỹ nên việc duy trì hoạt động của lô Danan bị gián đoạn.
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau khi các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Iran được bãi bỏ trong tháng 1/2016 khi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) mà Tehran đạt được với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7/2015 có hiệu lực, cánh cửa hội nhập trở lại với nền kinh tế thế giới đang dần mở rộng đối với Iran. Đây cũng là cơ hội hấp dẫn cho nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Với khoảng 80 triệu dân, Iran là thị trường lớn tại khu vực Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong 5 năm qua, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang thị trường Iran là thủy sản, gạo, chè, càphê, hạt tiêu, hạt điều, mây tre đan, cao su, các sản phẩm cao su, các sản phẩm chất dẻo, linh kiện, phụ tùng máy móc, linh kiện điện tử, dệt may và một số sản phẩm khác. Trong khi đó, hàng hóa Iran xuất vào thị trường Việt Nam chủ yếu là chất dẻo nguyên liệu, các sản phẩm hóa dầu, kim loại thường, lúa mì, nguyên liệu dệt-da giày...
Trong các cuộc tiếp xúc ở các cấp giữa lãnh đạo hai nước thời gian qua, Iran và Việt Nam đều mong muốn phát huy truyền thống hợp tác hữu nghị, đưa mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính và ngân hàng.
Đặc biệt, bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Phi 2015 diễn ra hồi tháng 4/2015 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đồng thời nhất trí rằng hai bên cần tìm kiếm các phương thức nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ Iran là tạo điều kiện thuận lợi, áp dụng các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài và tiếp nhận công nghệ tiến tiến. Nước này đang bắt đầu triển khai các dự án nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng dầu khí vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong thời gian năm bị cấm vận, cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế-xã hội khác, với nhu cầu vốn lên tới hàng trăm tỷ USD. Các lĩnh vực chủ chốt như dầu mỏ, khí đốt, hàng không, khai khoáng, thép... được chú trọng phát triển.
Là quốc gia giàu tài nguyên ở khu vực Trung Đông, Iran đứng thứ tư thế giới về trữ lượng dầu thô qua kiểm chứng (gần 158 tỷ thùng, chiếm hơn 10% trữ lượng của thế giới) và thứ hai toàn cầu về trữ lượng khí đốt (33.800 tỷ m3, chiếm 18,2% trữ lượng toàn thế giới).
Iran có ví trị vô cùng thuận lợi, làm cơ sở để các sản phẩm có thể thông qua thị trường này vào khu vực Trung Đông. Iran là nền kinh tế lớn thứ 2 tại Trung Đông-Bắc Phi (MENA), với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 400 tỷ USD, sau Saudi Arabia.
Việc Mỹ và phương Tây bãi bỏ cấm vận kinh tế đang đem lại làn gió mới cho nền kinh tế Iran. Giới chuyên gia dự báo kinh tế Iran có thể tăng trưởng ít nhất 4% năm 2016./.