Cơ hội học miễn phí bậc kỹ sư ngành công nghệ hàng không vũ trụ

Sinh viên khóa đầu tiên trúng tuyển được Trường Đại học Công nghệ miễn học phí trong toàn khóa học, được Tập đoàn Viettel cấp học bổng toàn phần năm đầu tiên.
Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Viettel ra mắt Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức Lễ ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ.

Theo đó, Viện này sẽ là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc Trường Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là đơn vị phối thuộc của Tập đoàn Viettel.

Miễn toàn bộ học phí cho khóa đầu tiên

Cụ thể, Viện Công nghệ Hàng không Vũ thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ ở các bậc đại học, sau đại học.

Viện cũng là nơi nghiên cứu, phát triển các công nghệ và sản phẩm khoa học trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh, quốc phòng của đất nước.

Cùng với hoạt động nghiên cứu, Viện sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, tri thức trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ trong và ngoài nước. 

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ sẽ triển khai một số định hướng nghiên cứu về công nghệ xử lý ảnh phục vụ trinh sát UAV, trinh sát vệ tinh; công nghệ truyền tin UAV; công nghệ MEMS ứng dụng trong chế tạo con quay vi cơ; công nghệ quang áp dụng cho con quay quang; công nghệ dẫn đường và điều khiển; tên lửa và vệ tinh ... 

Cùng với việc thành lập Viện, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt chương trình đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Đây là chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn mực của các trường đại học hàng đầu thế giới, chú trọng đào tạo các kỹ năng cơ bản và công nghệ nền tảng của công nghiệp 4.0. 

Các giảng viên của Trường Đại học Công nghệ cùng với chuyên gia khoa học trong và ngoài nước (trong đó có các chuyên gia của Tập đoàn Viettel) sẽ phối hợp giảng dạy chương trình này.

Các nội dung thí nghiệm, thực hành sẽ được thực hiện tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu về hàng không vũ trụ của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập đoàn Viettel và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. 

Sau 4,5 năm học, sinh viên sẽ nhận bằng Kỹ sư Công nghệ Hàng không Vũ trụ và có cơ hội được làm việc, tham gia các dự án về Hàng không Vũ trụ tại Tập đoàn Viettel, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các đơn vị khác.

[Phát hiện một hệ sao 8 hành tinh rất giống với hệ Mặt Trời]

Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc tuyển sinh khóa đầu tiên sẽ bắt đầu từ học kỳ 2 của năm học 2017-2018. Đối tượng tuyển là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Công nghệ, thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, viễn thông và nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử và Cơ kỹ thuật, có đam mê lĩnh vực hàng không vũ trụ và chấp nhận thách thức. 

Từ năm học 2018-2019, chương trình sẽ tuyển sinh theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được nhận học bổng toàn phần của Tập đoàn Viettel và các đơn vị đối tác. 

Riêng sinh viên khóa đầu tiên trúng tuyển được Trường Đại học Công nghệ miễn học phí trong toàn khóa học, được Tập đoàn Viettel cấp học bổng toàn phần năm đầu tiên và tiếp tục cấp các năm sau theo năng lực học tập.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ ra mắt. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)

Chỉ tuyển 20 sinh viên mỗi năm

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, chỉ có khoảng 20 người được tuyển dụng và đào tạo mỗi năm. 

“Chúng tôi cũng không có bất kỳ một cam kết nào về những ưu đãi mà các bạn sẽ nhận được. Cái chúng tôi có thể cam kết là số lượng những thách thức mà bạn sẽ phải đối mặt ngay từ khi bước chân vào đây. Chúng tôi cũng không cam kết tiếp nhận các bạn về Viettel tham gia hành trình này, bởi bất kỳ ai vượt qua 4 năm học tập căng thẳng, hoàn thành những dự án mà chưa một người Việt Nam nào làm được, với ý chí và tinh thần của những chiến binh thì Viettel sẽ phải bằng mọi cách mời các bạn về đội ngũ của mình,” ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, với định hướng trở thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, lọt nhóm 100 tập đoàn công nghiệp quốc phòng trên thế giới, Viettel đang rất chú trọng vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất trong quân sự và dân sự. Trong đó, nghiên cứu làm chủ công nghệ hàng không, vũ trụ là một chiến lược quốc gia, đồng thời là một trong những định hướng trọng tâm của Tập đoàn. 

Viện Hàng không Vũ trụ Viettel đã được thành lập từ tháng 1/2016 và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1.000 kỹ sư chất lượng cao và trở thành đơn vị nòng cốt của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Điều này cho thấy nhu cầu nhân lực của ngành này đang rất lớn và cơ hội việc làm của sinh viên rất rộng mở.

[Thủ tướng: Sớm triển khai dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc]

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Viettel là hướng đi mới, xuất phát từ nhu cầu và trách nhiệm phát triển của hai bên đối với đất nước. 

Đại học Quốc gia Hà Nội cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để gắn nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu với thực tiễn, nhận các đặt hàng nghiên cứu và cả sự hỗ trợ của doanh nghiệp. 

Ngược lại, với mục tiêu phát triển thành một tập đoàn công nghệ, Viettel hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội để đào tạo các chuyên gia trình độ cao theo yêu cầu phát triển của mình và phối hợp nghiên cứu phát triển các công nghệ nền quan trọng. 

Ông Sơn nhận định đây là nhu cầu tự thân, vừa là phương thức, vừa là mục tiêu, nhằm tới sự phát triển của từng đối tác, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục