Bài 3: Trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu khu vực ASEAN

Cơ hội đưa ngành Y tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới

TP Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng các bệnh viện theo chuẩn quốc tế và xếp hạng quốc tế; thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao trong và ngoài nước, phục vụ theo hướng chuyên sâu.
Cơ hội đưa ngành Y tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới ảnh 1Bác sỹ Philippines điều khiển robot dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Bệnh viện Bình Dân. (Ảnh: TTXVN phát)

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là địa phương dẫn đầu cả nước trong nỗ lực áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu vào điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Định hướng ngành Y tế thành phố đặt ra trong những năm tới là trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN.

Ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Một trong những “điểm sáng” mà ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đạt được là phẫu thuật robot đã trở thành thường quy tại một số bệnh viện.

Tháng 5/2023, Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện thành công ca phẫu thuật bằng robot thứ 2.000 sau hơn 6 năm triển khai. Đây là con số mà nhà sản xuất robot và đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao.

Hiện, phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, gan mật tụy, lồng ngực, các can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý mạch máu não, tim gan, thận, ruột, chi… giúp tối ưu hóa quá trình điều trị.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật với robot Da Vinci do Hoa Kỳ sản xuất.

Các bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đại-trực tràng, ung thư phổi, cắt nang ống mật chủ, tạo hình khúc nối bể thận-niệu quản, ung thư gan, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tim… đã được bệnh viện thực hiện thành công bằng phẫu thuật robot.

Việc lấy tạng hiến trong lĩnh vực ghép tạng được thực hiện bằng robot với những ưu điểm vượt trội.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã đưa vào sử dụng robot mổ não thế hệ mới Modus V Synaptive ứng dụng trong phẫu thuật u não, đột quỵ xuất huyết não và nhiều bệnh lý thần kinh-sọ não.

Nhờ làm chủ công nghệ này, Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh.

Ở lĩnh vực sản khoa, Thành phố Hồ Chí Minh là “cái nôi” của lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm với nhiều bệnh viện phụ sản nổi tiếng như Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, Tâm Anh, Mỹ Đức...

Nhi khoa cũng được xem là một trong những mũi nhọn của thành phố khi liên tục áp dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu và đạt được những thành quả đáng tự hào.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các kỹ thuật thông tim can thiệp, chuyên sâu sơ sinh ngang tầm các nước trong khu vực đã có thể can thiệp tim mạch, cứu sống nhiều trẻ sinh non cực nhẹ cân chỉ 23 tuần tuổi, cân nặng 400gram.

Bệnh viện Nhi đồng 2 được biết đến là đơn vị ghép tạng nhi khoa duy nhất của khu vực phía Nam khi đã ghép thận, gan, tế bào gốc thành công cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo trong nhiều năm qua.

[Việt Nam làm chủ kỹ thuật phẫu thuật điều trị hẹp niệu đạo]

Trong điều trị ung thư, hai bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị ung thư.

Bệnh viện Ung bướu là đơn vị công lập đầu tiên trên cả nước đưa xét nghiệm giải trình tự gen thế hệ mới vào chẩn đoán thường quy đột biến gene.

Cơ hội đưa ngành Y tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới ảnh 2Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật ghép tạng cho người bệnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, những kỹ thuật mới trong phẫu thuật vi phẫu tạo hình tuyến vú, vùng đầu cổ, phẫu thuật cắt tuyến giáp xâm lấn tối thiểu qua nội soi… đã được Bệnh viện Ung bướu và Chợ Rẫy triển khai.

Trong tương lai, hai bệnh viện này dự kiến sẽ tiếp tục triển khai những kỹ thuật mới như: xạ trị hạt nặng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

Kỳ vọng “cất cánh”

Nhìn nhận ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến vượt bậc, song Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng so với một số nước trong khu vực, ngành Y tế thành phố vẫn đi sau một bước.

Ông Tăng Chí Thượng nhìn nhận trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y, bác sỹ Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, ngành Y tế chưa nhận được sự đầu tư đúng mức cũng như thiếu các cơ chế phát triển phù hợp. Đây là lý do khiến cho ngành chưa đủ sức “bật” cũng như chưa thu hút được số lượng bệnh nhân nước ngoài như kỳ vọng.

Cơ hội đưa ngành Y tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới ảnh 3Trung tâm Sơ sinh hiện đại của Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nhìn ra khu vực, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét Thái Lan và Singapore là hai quốc gia có nền y tế phát triển và thu hút người dân nước khác đến khám, chữa bệnh đông nhất.

Nếu như Singapore có lợi thế về các kỹ thuật chuyên sâu với nhiều trang thiết bị hiện đại nhờ có chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan lại làm rất tốt du lịch y tế. Họ tận dụng được lợi thế về phát triển du lịch để quảng bá các dịch vụ y tế của mình.

Trong khi đó, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn tồn tại những bất cập như cơ sở vật chất chưa đồng bộ, khả năng ngoại ngữ, nhất là các bệnh viện công lập chưa đáp ứng nhu cầu cho công tác khám, chữa bệnh cho người nước ngoài; các hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa được chú trọng...

Mặc dù có trình độ không thua kém nhiều nước nhưng lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức trong việc nghiên cứu, chưa chủ động tham gia vào danh sách xếp hạng các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, du lịch y tế chưa được đầu tư đúng mức, phát triển còn manh mún và ở dạng tiềm năng.

Từ thực tế đó, ông Tăng Chí Thượng đề xuất 7 nhóm giải pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân và hướng đến trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu khu vực ASEAN. Trong đó, thành phố tập trung vào hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện-trường; không ngừng phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Cơ hội đưa ngành Y tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới ảnh 4Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhi. (Ảnh: TTXVN phát)

Cùng với đó, thành phố cần xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; quan tâm và đầu tư để địa phương trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.

Theo ông Tăng Chí Thượng, ngoài sự đồng bộ, phối hợp nhất quán giữa các sở, ngành, thành phố cần có những cơ chế, chính sách đầu tư đúng mức cho ngành Y tế. Quan trọng nhất là phải huy động được các nguồn lực xã hội phát triển y tế chuyên sâu.

Hiện, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có các bệnh viện tư nhân đủ sức cạnh tranh với bất kỳ bệnh viện lớn nào của nước ngoài, điển hình như Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Mặc dù thời gian hoạt động chưa lâu, đơn vị này đã triển khai nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu bằng cách trang bị phương tiện máy móc hiện đại. Bệnh viện cũng hình thành nên các trung tâm chuyên khoa bên trong đơn vị để tập trung sâu phát triển chuyên môn.

“Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn xây dựng trường Đại học chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe nhằm cung cấp nhân lực y tế cho chính bệnh viện và các cơ sở y tế khác. Đây là một mô hình cần khuyến khích phát triển," ông Tăng Chí Thượng nhận định.

Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, địa phương cần tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển bằng các cơ chế, chính sách phù hợp như cho vay vốn kích cầu

Người đứng đầu ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng thành phố cần có chính sách thu hút các trường Đại học y khoa có uy tín trên thế giới phối hợp các trường y khoa trong nước đào tạo bác sỹ theo chuẩn quốc tế; thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe trên địa bàn; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Về định hướng phát triển, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định ưu tiên nguồn lực xây dựng nền y tế thành phố tiên tiến, hiện đại, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Thành phố sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế; khuyến khích đầu tư các bệnh viện và chính sách đầu tư tư nhân, đầu tư từ nước ngoài; tập trung hoàn thiện chính sách phát triển dịch vụ y tế, du lịch y tế.

Song song đó, thành phố tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ xây dựng các bệnh viện theo chuẩn quốc tế và xếp hạng quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phục vụ theo hướng chuyên sâu./.

Bài 1 : Việt Nam là điểm đến của người nước ngoài có nhu cầu khám, chữa bệnh

Bài 2: Ngành Y tế Việt Nam thúc đẩy hợp tác, vươn mình hội nhập quốc tế

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục