Ngày càng có nhiều tập đoàn công nghiệp và năng lượng của Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm kiếm đối tác để hợp tác và đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn dàn Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ với chủ đề “Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ” do Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chiều 13/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết sau gần 30 năm kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, sự hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều tiến triển mạnh mẽ, thực chất trong nhiều lĩnh vực hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển quan trọng.
Trong năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng.
Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam của ngài Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
[Coi hợp tác kinh tế là “động cơ vĩnh cửu” của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ]
Ông John Rockhold - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam, Chủ tịch AmCham Hà Nội - cho biết các doanh nghiệp năng lượng Hoa Kỳ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư bởi khả năng tiếp cận nguồn điện từ năng lượng tái tạo rất lớn.
Đặc biệt, quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, bao gồm từ các xưởng đóng tàu và đúc thép cho đến các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Trong khi đó, ông Maxime Dourdan - Giám đốc Phát triển Chuỗi Cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào ba định hướng chính là làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ (VASI), cho rằng để tham gia được vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và duy trì thường xuyên, liên tục.
Tín hiệu đáng mừng là trong số hơn 300 doanh nghiệp trực thuộc VASI đã có một số sản xuất được một số linh kiện cho các “ông lớn” trên thế giới như: khay pin, đầu nối thiết bị điện trong xe ôtô điện.
Một số doanh nghiệp còn xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ các sản phẩm như dây điện, linh kiện cho các turbin… Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới - bà Bình nhận xét./.