Cơ hội để Việt Nam tiếp tục cung cấp gạo ổn định sang Philippines

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt hơn 715.000 tấn, trị giá hơn 380 triệu USD, chiếm 36,27% tổng lượng xuất khẩu của cả nước.
Cơ hội để Việt Nam tiếp tục cung cấp gạo ổn định sang Philippines ảnh 1Thu hoạch lúa trong vùng nguyên liệu tại xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết, việc Philippines giảm thuế đối với gạo nhập khẩu sẽ mở thêm cơ hội để Việt Nam tiếp tục cung cấp gạo ổn định cho Philippines.

Điều này góp phần hỗ trợ Philippines ổn định thị trường trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu gạo truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, để nắm bắt được cơ hội này, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất lớn tại các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, giảm tối đa các khâu trung gian ở cả đầu vào và đầu ra để hỗ trợ giảm giá thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho gạo xuất khẩu.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu và tuân thủ nghiêm túc các quy định của Philippines về nhập khẩu gạo; trong đó, có các quy định về khai báo hải quan trung thực. Đồng thời, chỉ đàm phán và ký kết hợp đồng với những thương nhân Philippines đã được Bộ Nông nghiệp Philippines cấp Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS-IC).

Theo Bộ Công Thương, việc giảm thuế nhập khẩu gạo của Philippines là theo sắc lệnh của Tổng thống nước này và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Vì vậy, cần theo dõi sát tình hình, đánh giá đầy đủ các rủi ro chính sách để xây dựng phương án giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có phương án phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng gạo xuất khẩu để bảo đảm tuyệt đối uy tín cho gạo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Mặt khác, kịp thời phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi có thể gây mất uy tín cho gạo xuất khẩu của Việt Nam để thông báo tới cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho người nông dân trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

Trước đó, theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Philippines, Tổng thống Duterte đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 35% (trước đây là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch) trong vòng một năm để tăng nguồn cung gạo, duy trì giá gạo phải chăng và giảm sức ép lạm phát.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Văn phòng Tổng thống đăng công báo là ngày 17/5/2021 và có thời hạn hiệu lực trong 1 năm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt hơn 715.000 tấn, trị giá hơn 380 triệu USD, chiếm 36,27% tổng lượng xuất khẩu của cả nước cho thấy Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu truyền thống và quan trọng của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục