Cơ hội để Việt Nam hiện thực mục tiêu chuyển dịch năng lượng

Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thực hiện lộ trình phát triển điện gió phù hợp, và xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân.
Cơ hội để Việt Nam hiện thực mục tiêu chuyển dịch năng lượng ảnh 1Nhiều trụ điện gió được lắp đặt hoàn thành đã đi vào hoạt động tại vùng ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn.

Trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhận đình trên tại Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 - Vietnam Wind Power (VWP) do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức sáng nay 1/12 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng khẳng định thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện; trong đó, công suất nguồn điện gió đã có 4 GW. Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Dự kiến tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt từ nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 27% tổng công suất điện hệ thống, và lên tới khoảng 59% vào năm 2050. Các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.

Phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong những năm sắp tới.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển năng lượng tái tạo, song ông Phạm Nguyên Hùng Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra nhiều thách thức. Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, điện gió ngoài khơi vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao.

Phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi gồm cả công trình trên bờ và trên biển, cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường.

[Thu hút đa dạng nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh và bền vững]

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, mặc dù là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi; trong đó có tiềm năng gió lớn, song Việt Nam chưa phải là quốc gia giàu có để có đủ tiềm lực về tài chính.

Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện lộ trình phát triển điện gió phù hợp, và xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân. Có thể nhìn nhận 3 vấn đề cực kỳ quan trọng mà chúng ta cần phải giải quyết.

Thứ nhất đó là câu chuyện hoàn thiện về khung pháp lý và thể chế để đảm bảo rằng các nguồn vốn đầu tư khi thu hút về cũng sẽ có đầy đủ cơ sở, căn cứ để các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát cũng như phê duyệt, để có thể kịp tiến độ đặt ra, đặc biệt là cho giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Thứ hai là liên quan đến vấn đề xây dựng năng lực địa phương của Việt Nam, bởi vì điện gió đòi hỏi phải có hiểu biết cũng như trình độ về quản lý, triển khai cũng như vận hành, bảo dưỡng rất cao…. Vấn đề cuối cùng là câu chuyện huy động các nguồn vốn của tư nhân, đòi hỏi phải có sự linh hoạt và tạo điều kiện tối đa cho khối tư nhân đầu tư…

Cơ hội để Việt Nam hiện thực mục tiêu chuyển dịch năng lượng ảnh 2Dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp với canh tác nông nghiệp, công suất 1,4MW của một hộ dân tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với số dân gần 100 triệu người, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam luôn tăng ở mức cao nhiều năm liên tục. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam lớn thứ nhất trong khu vực ASEAN về công suất lắp đặt, đứng thứ 22 trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng điện từ năm 2011-2019 là 10,5%, chỉ riêng năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tốc độ tăng trưởng điện giảm xuống. Theo tính toán của Bộ Công Thương, dự báo trong những năm tới, khi nền kinh tế hoàn tào phục hồi, tăng trưởng nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức cao.

Thực tiễn phát triển năng lượng, phát triển điện tại Việt Nam thời gian vừa qua đã cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng từ năm 2015.

Đứng trước các khó khăn về đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu, phải “xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Cùng đó, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam…

Đại diện Bộ Công Thương mong muốn hội nghị điện gió Việt Nam 2022 là diễn đàn để các chuyên gia, tổ chức trong nước, quốc tế trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và góp ý cho việc hoàn chỉnh khung chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu chung của quốc gia về an ninh cung cấp năng lượng và chống biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục