Cơ hội để thực phẩm Việt vào hệ thống phân phối nội địa Mỹ

Hoạt động như một chợ đầu mối, Công ty Rhee Bros có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trực tiếp và tận dụng lợi thế mua hàng tận gốc, cũng như có khả năng cạnh tranh về giá cả.
Cơ hội để thực phẩm Việt vào hệ thống phân phối nội địa Mỹ ảnh 1Công nhân Công ty Cổ phần PT Daehan Global may hàng xuất khẩu xuất sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mỹ luôn duy trì là thị trường nhập khẩu hàng đầu các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam như thủy sản, điều, càphê…, cùng với đó, dự báo tăng trưởng xuất khẩu ngành thực phẩm của Việt Nam năm 2017 vào thị trường Mỹ sẽ đạt 11%.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/12.

Thị trường lớn nhưng nhiều tiêu chuẩn cao

Theo Bộ Công Thương, Mỹ không chỉ là thị trường khổng lồ và đa dạng, mà còn là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa luôn có xu hướng liên tục tăng.

Đẩy mạnh đưa các mặt hàng thực phẩm vào thị trường này, sẽ giúp nâng cao khả năng cung cấp hàng hóa của Việt Nam được cải thiện. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, đối với thị trường Mỹ, mặc dù các đơn hàng rất lớn nhưng giá cả phải cạnh tranh và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao, chưa kể hệ thống pháp luật thương mại phức tạp.

Bên cạnh đó, năng lực xuất khẩu của Việt Nam còn yếu, cạnh tranh xuất khẩu vào Mỹ bị ảnh hưởng do cước phí, thời gian vận tải, khó khăn trong thanh toán, các biện pháp bảo hộ sản phẩm nội địa... tạo ra chi phí tốn kém cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này.

Sự hấp dẫn của thị trường Mỹ đồng nghĩa với việc cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này lớn, ngày càng khó khăn hơn cùng với như quy định khắt khe liên quan đến an toàn thực phẩm từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, mỗi năm nước Mỹ có khoảng 128.000 người nhập viện liên quan đến lĩnh vực thực phẩm và nước này phải chi tiêu hàng trăm tỷ USD để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực phẩm không an toàn đối với con người, đồng thời, việc gia tăng xuất khẩu các mặt hàng tươi sống và nông sản thực phẩm vào Mỹ, trong khi các cơ quan quản lý không đủ lực lượng thanh tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

[Chuyên gia CSIS: Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ]

Đây là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc Mỹ ban hành Luật FSMA, hướng đến mục tiêu tạo ra hành lang pháp lý giám sát, dự phòng và chủ động kiểm soát các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thực phẩm.

Ngoài ra, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ người sản xuất và đơn vị nhập khẩu hàng hóa liên quan đến lĩnh vực thực phẩm vào thị trường Mỹ. Luật FSMA không mới, đã khởi động từ năm 2011 đến nay đã 6 năm, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt đầy đủ.

Ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng, Tham tán công sứ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Washington D.C (Mỹ) nhấn mạnh, các yêu cầu cơ bản của Luật FSMA mà doanh nghiệp bắt buộc phải biết trước khi xuất khẩu vào Mỹ là đăng ký mới và đăng ký lại cơ sở sản xuất kinh doanh với FDA để lấy mã kinh doanh hợp lệ trước khi xuất hàng vào Mỹ.

Việc đăng ký mới, doanh nghiệp có thể tự đăng ký online vào bất kỳ thời điểm nào trong năm; còn đăng ký lại cơ sở sản xuất kinh doanh được quy định thực hiện sau 2 năm và vào các năm chẵn, với thời gian gia hạn cố định từ 1/10 đến 31/12 của năm chẵn đó; trong đó, nếu công ty có nhiều kho bãi, nhà xưởng thì mỗi nơi đăng ký riêng để được cấp mã số cho từng nơi.

Theo ông Đào Trần Nhân, Luật FSMA cũng đòi hỏi doanh nghiệp đăng ký người đại diện tại Mỹ, có trách nhiệm hỗ trợ FDA trong hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng hóa.

Nghĩa vụ khai thông báo trước với FDA cho mỗi chuyến hàng áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất nước ngoài, trong đó doanh nghiệp cần khai rõ, hàng hóa của mình đã từng bị từ chối nhập hàng lần nào chưa.

Xây dựng Chương trình hành động về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến để đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ và FDA có yêu cầu thì sẽ thực hiện thanh tra đột xuất, không cần thông báo cho bất cứ cơ quan chức năng nào của nước nhập khẩu hay doanh nghiệp bị thanh tra.

Tìm đường vào hệ thống phân phối nội địa Mỹ

 

Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được đánh giá đang có những bước phát triển thuận lợi, thương mại hàng hóa giữa hai bên cũng ngày càng tăng.

Trong nhiều năm trở lại đây, Mỹ là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và cũng là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất.

Điển hình, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 38,45 tỷ USD năm 2016 và đạt 34,7 tỷ USD trong 10 tháng năm 2017.

Cơ hội để thực phẩm Việt vào hệ thống phân phối nội địa Mỹ ảnh 2Chế biến tôm tempura trong nhà máy Seavina xuất sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản và tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đại diện cho nhà bán lẻ đến từ Mỹ, ông Anthony Ho, Giám đốc cao cấp phụ trách mua hàng Công ty Rhee Bros (Mỹ), cho hay, Rhee Bros đã có hợp tác, kinh doanh với nhiều đối tác thuộc các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài các hợp đồng hợp tác xuất nhập khẩu hàng hóa, Rhee Bros chú trọng hỗ trợ các đối tác của mình thông qua cung cấp hệ thống kế toán và thanh toán an toàn; tích hợp nhiều dịch vụ hỗ trợ… nên đã trở thành địa chỉ tin cậy cũng như đại diện cho nhà nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Đơn cử, Rhee Bros có thể cung cấp thông tin thị trường, giá cả hàng hóa, thị hiếu tiêu dùng… cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.

Theo ông Anthony Ho, Rhee Bros hoạt động như một chợ đầu mối với việc kinh doanh và cung ứng hàng ngàn sản phẩm, không chỉ trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, hàng hóa tươi sống, mà còn ở những ngành hàng khác của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hệ thống thu mua của Rhee Bros đã được mở rộng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, nên có thể hỗ trợ các nhà xuất khẩu hàng hóa trực tiếp và tận dụng lợi thế mua hàng tận gốc, cũng như có khả năng cạnh tranh về giá cả.

Riêng mạng lưới phân phối nội địa của Rhee Bros tập trung ở bờ Đông (Mỹ), đồng thời liên kết kinh doanh với nhiều tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối nội địa, chuỗi siêu thị bên cạnh hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, trong đó, các công ty, nhà hàng, khách sạn… của Mỹ đến với Rhee Bros, vì có khả năng cung cấp nguồn hàng tốt nhất từ châu Á.

Còn đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sẽ tiếp tục cập nhật và đăng tải thông tin về Luật FSMA trên trang thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cũng như các tài liệu tư vấn và cung cấp những địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp có thể tiếp cận khi cần hỗ trợ pháp lý, thủ tục xuất nhập khẩu…, đồng thời tăng cường các giải pháp tìm hiểu thị trường, nghiên cứu chính sách kinh tế-thương mại tại Mỹ.

Song song đó, phối hợp cùng các bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp tham gia giải quyết những tranh chấp thương mại liên quan đến Việt Nam. Đơn cử, làm cầu nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu…

Mặt khác, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã và đang triển khai giúp doanh nghiệp điều tra tư cách pháp nhân, doanh nghiệp, nhà xuất khẩu… hoàn toàn miễn phí để doanh nghiệp phòng chống rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu sang Mỹ.

Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng tăng cường nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến theo yêu cầu, đề xuất của doanh nghiệp, hướng đến thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục