Các chuyên gia tham dự "Diễn đàn tham vấn quốc gia về phát triển Chiến lược thực hiện AfCFTA của Ethiopia," diễn ra hôm 30/6 tại thủ đô Addis Ababa, đã kêu gọi các nước châu Phi nhanh chóng đưa ra các kế hoạch hành động và chiến lược quốc gia để đẩy nhanh việc thực hiện Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) và thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các nước.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng AfCFTA sẽ đưa 30 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2035, tạo ra mức tăng trưởng thu nhập thực tế khoảng 450 triệu USD và tăng xuất khẩu trong lục địa lên 81%.
Phát biểu tại sự kiện, ông Stephen Karingi, giám đốc Ban hội nhập và thương mại khu vực của Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA), cho biết việc thực hiện AfCFTA trên thực tế có tiềm năng thúc đẩy công nghiệp hóa, tạo việc làm và đầu tư tại châu Phi.
Ông cho biết, đến nay, đã có 36 quốc gia châu Phi và 3 cộng đồng kinh tế khu vực (RECs) xây dựng và triển khai các chiến lược thực hiện AfCFTA của họ, đồng thời kêu gọi 19 quốc gia châu Phi còn lại nhanh chóng đưa ra các chiến lược quốc gia để đẩy nhanh việc thực hiện AfCFTA.
Theo UNECA, quá trình thực hiện AfCFTA đang tiến triển tốt với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được việc cắt giảm thuế quan cho 97% thương mại trên toàn lục địa.
Tuy nhiên, ông Karingi cũng lưu ý rằng những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông và các cơ sở biên giới vẫn là những thách thức, cản trở việc triển khai nhanh chóng AfCFTA.
Tổng giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Ethiopia, Beyene Petros, cho biết kể từ khi AfCFTA có hiệu lực vào năm 2019, đã có những tiến bộ quan trọng. Tổng cộng có 47 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã phê chuẩn hiệp định này.
Thỏa thuận này hình thành nên một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 55 quốc gia với Tổng sản phẩm quốc nội là 3.400 tỷ USD và kết nối 1,3 tỷ người trên khắp lục địa.
Ông Petros kêu gọi các nước châu Phi không nên bỏ lỡ quá trình hội nhập kinh tế này và cần đưa ra các kế hoạch hành động để tạo ra một thị trường lớn duy nhất cho hàng hóa và dịch vụ của châu Phi./.
22 triệu người châu Mỹ phải tha hương do nghèo đói và xung đột
Đại diện UNHCR cho biết Mexico nằm trong danh sách 5 quốc gia tiếp nhận nhiều đơn xin tị nạn nhiều nhất trên thế giới, với 273.000 trường hợp trong năm 2023, cao nhất kể từ năm 2018.