Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết vừa nhận được kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 1/8/2021 đến 31/7/2022 do Văn phòng Đăng ký liên bang Hoa Kỳ (Federal Register) công bố (ngày 9/7/2023) với kết quả tích cực.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là bị đơn bắt buộc gồm Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) lần lượt được hưởng mức thuế là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg.
Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là I.D.I CORP, Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex, Công ty cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty cổ phần Hùng Vương.
Như vậy, mức thuế sơ bộ POR19 đã giảm so với kết quả cuối cùng của POR18 trước đó.
Theo thống kê của Vasep, Hoa Kỳ từng đứng top 1 thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 2 năm 2015, 2016.
Kể từ năm 2019, Hoa Kỳ duy trì là thị trường nhập khẩu cá tra đứng thứ 2 sau Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 22%. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên…
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Hoa Kỳ không mấy lạc quan do lạm phát, kinh tế suy giảm, đặc biệt là tồn kho cao từ việc nhập khẩu nhiều vào nửa đầu năm 2022.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tốc độ nhập khẩu cá tra của cường quốc này chậm lại trong những tháng đầu năm nay.
Tính tới ngày 15/8/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2022.
[Thủy sản Việt Nam tận dụng từng cơ hội thị trường cuối năm]
Các chuyên gia nhận định kết quả đánh giá POR19 tích cực, cộng với các yếu tố về thị trường như nhu cầu tiêu dùng mùa lễ hội cuối năm, lượng tồn kho giảm dần sẽ tạo tâm lý tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ trong những tháng cuối năm.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep thông tin thêm, tính đến hết tháng Tám, kim ngạch thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt trên 1 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022, do khó khăn chung của thị trường thế giới như lạm phát, giá trung bình xuất khẩu giảm.
Riêng với thủy sản, vấn đề tồn kho của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ từ nửa cuối năm 2022 cũng là một nguyên nhân chính khiến cho nhập khẩu của thị trường chậm lại, nhất là 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Do vậy, tới hết tháng 8/2023, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 30%, xuất khẩu cá tra giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, Hoa Kỳ đồng thời cũng là đối tác cung cấp một số mặt hàng hải sản quan trọng cho thị trường Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt khoảng trên 60 triệu USD mỗi năm, với những mặt hàng chính gồm cá hồi, cá trích, cá bơn, cá minh thái, cá tuyết...
Phần lớn hải sản được đối tác Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam để gia công, chế biến và nhập khẩu trở lại thị trường này.
Hoạt động cũng mang thêm doanh thu cho doanh nghiệp Việt, tạo việc làm ổn định cho công nhân và tận dụng được năng lực và công suất chế biến của các nhà máy trong nước.
Theo bà Lê Hằng, Hoa Kỳ đang và sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược hàng đầu của thủy sản Việt Nam bởi vị thế của một cường quốc kinh tế lớn có dân số lớn thứ 3 thế giới và có tỷ lệ dân thành thị ngày càng gia tăng, đặc biệt tăng trưởng số lượng di dân ở đất nước này được dự báo ngày càng cao.
Những đặc tính của thị trường này sẽ mang lại cơ hội tăng thị phần cho thủy sản Việt Nam, không chỉ phát triển các sản phẩm xuất khẩu truyền thống mà cả phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sẵn, phù hợp cho các gia đình thành thị, cũng như chủng loại sản phẩm có giá phù hợp cho tầng lớp thu nhập trung bình hoặc di dân./.