Tiến sỹ Alon Ben-Meir, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trung tâm Các vấn đề Toàn cầu tại NYU, mới đây đã có bài phân tích đăng trên mạng tin Eurasia Review bình luận về khả năng thực hiện giải pháp hai nhà nước trong tranh chấp giữa Israel và Palestine trong bối cảnh hiện nay.
Theo Tiến sỹ Ben-Meir, cho dù được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây, song nếu chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực hiện kế hoạch sáp nhập gần 30% lãnh thổ khu vực Bờ Tây, trong đó bao gồm cả thung lũng Jordan và các khu định cư của Israel, điều này sẽ phản tác dụng và gây hậu quả lớn đối với Israel.
Đầu tiên, bạo lực giữa Israel và Palestine sẽ gia tăng đáng kể và có khả năng dẫn tới một cuộc chiến tiêu hao sinh lực không có hồi kết; phá hủy hiệp ước hòa bình Israel-Palestine và Ai Cập sau đó sẽ bắt chước; nó sẽ đảo ngược mối quan hệ có tính chất cộng tác hiện nay giữa Israel và các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia; làm trầm trọng thêm cuộc xung đột với Hamas và Hezbollah, từ đó dẫn tới tình trạng leo thang bạo lực; nó sẽ khích lệ Iran có thêm các động thái trừng phạt nhằm làm suy yếu Israel từ đường biên giới của Syria và thông qua chiến tranh mạng.
Điều này có thể sẽ thúc đẩy Chính quyền Palestine (PA) phải giải thể, từ đó buộc Israel phải có trách nhiệm với hơn 2,5 triệu người Palestine, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, việc làm và chăm sóc y tế.
Đồng thời, nó cũng buộc Israel phải tăng cường củng cố đáng kể các bộ máy an ninh của mình để bảo vệ các khu định cư trước chủ nghĩa khủng bố, điều này sẽ khiến Israel tốn hàng tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Hơn nữa, việc sáp nhập sẽ khiến xã hội Israel bị phân cực giữa những người ủng hộ và những người phản đối việc sáp nhập.
Động thái này chắc chắn cũng sẽ khiến Israel bị cô lập hơn trên trường quốc tế; không nghi ngờ gì rằng toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) hay các nước thành viên nói riêng của liên minh này sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Israel và ủng hộ phong trào BDS (phong trào tẩy chay-không đầu tư-trừng phạt Israel).
Nó cũng có thể phá vỡ quan hệ giữa Israel và những người Do thái ở Mỹ, những người phần lớn ủng hộ giải pháp hai nhà nước, và khiến mối quan hệ với đảng Dân chủ ở Mỹ trở nên căng thẳng, đặc biệt là nếu ông Joe Biden trở thành tổng thống vào tháng 11 tới.
Cuối cùng, Israel sẽ trở thành một quốc gia bị bạn bè xa lánh, bị kẻ thù ghét bỏ và đe dọa.
Tuy nhiên, những điều kể trên không thể ngăn cản ông Netanyahu bởi vì các lý do ý thức hệ và tôn giáo - đó là đảng Likud ủng hộ việc sáp nhập vì các lý do ý thức hệ mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, và các đảng tôn giáo ủng hộ động thái này vì các lý do trong Kinh thánh.
Cả hai phía đều tin rằng Bờ Tây (Judea và Samaria) là một phần quan trọng trong "Đất của Israel" của người Do thái cả về mặt lịch sử và trong Kinh thánh, và người Do thái hoàn toàn có quyền thành lập một nhà nước trên quê hương của tổ tiên mình.
Câu hỏi đặt ra là, điều gì có thể ngăn cản ông Netanyahu không thực hiện việc sáp nhập?
Cách duy nhất để người Palestine có thể khiến ông Netanyahu dừng lại là họ cần ngay lập tức tuyên bố rằng Palestine sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận hòa bình, và gửi thông điệp này một cách rõ ràng tới Mỹ.
Điều quan trọng không kém là các nước Arập, đứng đầu là Saudi Arabia cùng với Jordan và Ai Cập (quốc gia hiện đã có hiệp ước hòa bình với Israel), đề nghị sẽ công nhận Israel dựa trên điều kiện Israel cần ngay lập tức tham gia các cuộc đàm phán thiện chí với mục tiêu là đạt được một giải pháp hai nhà nước, đây vốn là điều có thể làm hài lòng tất cả các bên có liên quan.
Tiến sỹ Ben-Meir đề xuất những nguyên tắc để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình như vậy (với chi tiết sẽ được hai bên đàm phán) như sau:
a) Thực hiện các trao đổi đất đai lớn cho phép Israel sáp nhập 3 khu vực định cư lớn, cùng với khu định cư Ariel, và có thể là một vài khu định cư cụ thể khác, với các lý do địa chiến lược, tôn giáo, sự gần gũi về mặt địa lý với một khu định cư lớn hiện có sẵn;
b) Thung lũng Jordan sẽ vẫn là lãnh thổ của Palestine, nhưng các lực lượng của Israel, Jordan và Palestine sẽ cùng hợp tác duy trì an ninh;
c) Như đã được đề cập tới trong kế hoạch "Hòa bình cho Thịnh vượng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, "Jerusalem sẽ vẫn là thủ đô của Israel, và đây sẽ vẫn là một thành phố không bị chia cắt."
Tiến sỹ Ben-Meir cũng nhất trí với phát biểu hồi tháng 12/2017 của ông Trump rằng "chúng tôi sẽ không đưa ra lập trường về bất kỳ vấn đề nào liên quan tới tình trạng cuối cùng, bao gồm các đường biên giới cụ thể của lãnh thổ Israel ở Jerusalem, hay giải pháp cho các đường biên giới có tranh chấp. Những câu hỏi này sẽ do hai bên có liên quan tự giải quyết."
[Palestine công bố đề xuất đối trọng với kế hoạch hòa bình Trung Đông]
Các đền thờ Hồi giáo thiêng ở khu vực Núi Đền (Temple Mount) sẽ vẫn nằm dưới sự quản lý của Jordan nhưng phải được mở cửa tự do cho tất cả mọi người của mọi tôn giáo tới thăm;
d) Hamas phải được tham gia vào các cuộc đàm phán này. Tuy nhiên, nếu Hamas từ chối tham gia cùng với PA, Israel có thể tổ chức đàm phán song phương với Hamas, những các cuộc đàm phán với PA vẫn cần được tiến hành theo như dự định;
e) Những người tị nạn Palestine sẽ được tái định cư ở Palestine, hoặc sẽ được bồi thường nếu họ chọn tiếp tục ở lại nơi ở hiện nay, bởi quyền được trở về không còn có thể thực hiện được trong bất kỳ hoàn cảnh nào;
f) Hợp tác an ninh hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì nhằm đảm bảo rằng cả Israel và Palestine sẽ tiếp tục nỗ lực cộng tác với nhau trong mọi lĩnh vực nhằm ngăn chặn các phần tử cấp tiến ở cả hai bên làm suy yếu thỏa thuận hòa bình;
g) Cần thành lập một ủy ban chung tập trung vào việc phát triển kinh tế, chủ yếu được hỗ trợ tài chính bởi Mỹ, các nước Arập vùng Vịnh và EU.
Để đảm bảo thành công, các cuộc đàm phán cần được thực hiện dưới sự bảo hộ của Jordan, Ai Cập, Saudi Arabia và Mỹ để chắc chắn rằng Israel và Palestine đang đàm phán một cách thiện chí trong suốt tiến trình đàm phán để đi tới một thỏa thuận. Và để ngăn chặn bị rơi vào tình trạng đình trệ, các cuộc đàm phán cần được đặt giới hạn phải đạt thỏa thuận trong khoảng thời gian 1 năm tới 18 tháng.
Mặc dù kế hoạch này không đáp ứng được mọi yêu cầu của các bên liên quan, song nó chắc chắn sẽ đáp ứng được phần lớn những gì mà họ mong muốn.
Chính quyền Trump sẽ có thể tuyên bố "chiến thắng" vì kế hoạch "Hòa bình vì Thịnh vượng" đã được thực hiện gần như hoàn toàn, miễn là người Palestine sẽ sẵn sàng đạt được một thỏa thuận như vậy trong vòng 4 năm tới.
Israel cũng có thể tuyên bố họ đã thành công bởi thỏa thuận khung này giải quyết được các mối lo ngại an ninh quốc gia của Israel, và cho phép Israel sáp nhập 3 khu định cư lớn cộng với khu định cư Ariel, nơi sinh sống của gần 85% người định cư.
Đổi lại, Israel sẽ phải trao đổi đất với diện tích tương đương và liền kề với khu Bờ Tây. Điều này sẽ giúp củng cố hơn nữa việc Jerusalem là thủ đô của Israel, và sẽ được đa số các nước Arab và Hồi giáo công nhận.
Palestine sẽ có thể thực hiện được những gì mà họ mong muốn- một quốc gia độc lập của riêng mình. Tuy nhiên, họ phải chấp nhận thực tế cùng chung sống với Israel.
Kế hoạch này cũng sẽ giải quyết được vấn đề người tị nạn Palestine và cho người Palestine một cơ hội để phát triển một đất nước riêng với sự ủng hộ của Israel, các nước Arập, Mỹ và EU.
Các nước Arập sẽ đạt được mục tiêu tối thượng của mình, đó là hòa bình toàn diện với Israel, với đầy đủ sự hợp tác và lợi ích mà hòa bình có thể đem lại, bao gồm việc được tiếp cận với công nghệ, phát triển kinh tế và ổn định khu vực.
Điều này cũng sẽ làm giảm nhẹ những lo ngại của Jordan rằng việc sáp nhập hơn nữa đất của Palestine có thể dẫn tới việc biến Jordan thành một phần của nhà nước Palestine.
Hơn nữa, một kế hoạch như vậy cũng sẽ dập tắt tham vọng khu vực của Iran và giảm thiểu đáng kể những lo ngại an ninh của các nước vùng Vịnh.
Kế hoạch này cũng sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực quan trọng cho khu vực. Iran và Hezbollah, những lực lượng đang đe dọa Israel, sẽ không còn lý do để biện minh cho hành động của mình một khi xung đột Israel-Palestine tìm được một giải pháp.
Israel và Palestine cùng tồn tại không phải là một trong số nhiều lựa chọn, mà đó là giải pháp duy nhất. Hai bên hiện phải quyết định rằng liệu họ muốn sống trong hòa bình và thịnh vượng, hay muốn tiếp tục ép bên kia phải đổ máu.
Sự hội tụ của các sự kiện khu vực và quốc tế đang đem lại cơ hội cuối cùng để thực hiện được giải pháp hai nhà nước.
Thời gian không ưu ái bên nào. Palestine không được bỏ lỡ một cơ hội nữa, và Israel sẽ thật ngu ngốc nếu cho rằng việc sáp nhập lãnh thổ sẽ giúp nước này đạt được hòa bình và an ninh lâu dài, hay thực hiện được lời hứa trong Kinh thánh vốn chẳng là gì ngoài sự ảo tưởng đầy nguy hiểm./.