Cơ hội "cùng thắng" giữa các nước thành viên CPTPP và Anh

Nếu được kết nạp, Anh sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong hiệp định CPTPP, sau Nhật Bản và tư cách thành viên của London sẽ giúp mở rộng GDP của khối này thêm 25% tính theo giá trị đồng USD.
Cơ hội "cùng thắng" giữa các nước thành viên CPTPP và Anh ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cầm trên tay tài liệu gia nhập CPTPP ngày 30/1. (Ảnh: Nikkei)

Theo Reuters/Trang mạng miragenews.com/Straitstimes.com, các nước thành viên sáng lập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hôm 2/6 đã "bật đèn xanh" để Anh khởi động quy trình đàm phán tham gia hiệp định thương mại nói trên.

Trang mạng tờ Straitstimes của Singapore ngày 4/6 bình luận quyết định nói trên của các thành viên CPTPP sẽ đem lại cơ hội "cùng thắng" cho Anh, cho các thành viên CPTPP cũng như cho chính hiệp định thương mại này.

Trong khi đó, hãng tin Reuters nhận định quyết định của London tham gia CPTPP đánh dấu một bước đi tiếp theo trong nỗ lực của Anh nhằm thiết lập những mối quan hệ thương mại mới với những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và dần thiết lập tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, hồi cuối năm 2020.

Theo trang mạng miragenews.com có trụ sở tại Australia, các bộ trưởng của 11 nước thành viên CPTPP hôm 2/6 đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về việc Anh nộp đơn tham gia hiệp định.

Các thành viên đã nhất trí thành lập một nhóm công tác phụ trách vấn đề kết nạp thành viên mới để khởi động các cuộc đàm phán với London về tư cách thành viên mà nước này đề xuất.

[Anh hoan nghênh các nước CPTPP xem xét đơn xin gia nhập của nước này]

Tại cuộc họp này, các thành viên nhất trí ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng thành viên bằng cách kết nạp những nền kinh tế có mong muốn tham gia.

Việc mở rộng như vậy sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại dựa trên luật lệ đồng thời tạo ra thịnh vượng lớn hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thông qua những cam kết tiêu chuẩn cao của CPTPP về cắt giảm thuế quan, lao động và môi trường.

Tuyên bố chung có đoạn: "Tư cách thành viên đầy tiềm năng của Anh sẽ hỗ trợ những lợi ích của các bên, những giá trị và cam kết chung về duy trì một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ mà các thành viên của CPTPP cùng sử dụng. Sự tham gia tiềm năng này cũng thúc đẩy những nguyên tắc thị trường, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và việc lợi dụng những biện pháp hạn chế thương mại không công bằng."

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã hoan nghênh việc kích hoạt quá trình xem xét kết nạp Anh. Bộ trưởng Nishimura nhận định việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp nâng GDP danh nghĩa của các nước thành viên hiệp định lên ngang bằng với GDP danh nghĩa của EU. CPTPP cắt giảm 95% thuế quan đối với hàng hóa của các nước thành viên gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia.

Theo Straitstimes, nếu được kết nạp, Anh sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong hiệp định này, sau Nhật Bản, và tư cách thành viên của London sẽ giúp mở rộng GDP của khối này thêm 25% tính theo giá trị đồng USD.

Khác với EU, hiệp định này không nhằm thiết lập một thị trường chung hoặc một liên minh thuế quan, và cũng không tìm kiếm sự hội nhập chính trị ở mức độ rộng lớn hơn.

Các bộ trưởng của Anh coi việc trở thành thành viên CPTPP là một trong vài cách thức để thiết lập tầm ảnh hưởng ở khu vực nhằm thúc đẩy tự do thương mại và cũng là hành động nhằm đối trọng với Trung Quốc - quốc gia mà London cáo buộc là đang hủy hoại thương mại và bóp méo thị trường thế giới bằng cách sử dụng các khoản hỗ trợ nhà nước đối với các doanh nghiệp trong nước. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho biết sẽ trình bày trước quốc hội về kế hoạch Anh gia nhập CPTPP trong những tuần tới.

Hiện Anh vẫn chưa công bố đánh giá lợi ích kinh tế của việc tham gia hiệp định này. London cho biết sẽ làm việc với Tokyo, nước chủ tịch hội đồng CPTPP trong năm 2021, để xúc tiến các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt.

London gửi yêu cầu chính thức gia nhập CPTPP hồi tháng 2/2021. Nếu thành công, thỏa thuận thương mại mà Anh tham gia CPTPP sẽ bổ sung vào loạt thỏa thuận song phương mà nước này đã có hoặc đang tìm kiếm với các nước thành viên của CPTPP.

Hồi tháng 10/2020, London đã đạt được thỏa thuận thương mại song phương đầu tiên thời kỳ hậu Brexit với Nhật Bản. Theo Straitstimes, hiện Anh đã có hiệp định thương mại tự do với 7 nước thành viên CPTPP và đang đàm phán với hai nước thành viên khác.

Điều này đồng nghĩa với việc những lợi ích kinh tế bổ sung của việc Anh tham gia CPTPP sẽ bị giới hạn trước tiên. Tuy nhiên, Anh có thể sử dụng sự đa dạng nguồn hàng cung cấp từ các nền kinh tế thành viên CPTPP để xây dựng những chuỗi cung ứng mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục