Cơ hội cung cấp lương thực phẩm cho Nga mở rộng với Mỹ Latinh

Cơ hội có thể trở thành nhà cung cấp lương thực phẩm chính cho Nga đang mở với Mỹ Latinh, khi Moskva áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm của phương Tây.

Cánh cửa cơ hội đang mở ra với Mỹ Latinh và khu vực này có thể trở thành nhà cung cấp lương thực phẩm chính cho Nga, trong bối cảnh Moskva áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Hôm 7/8 vừa qua, Điện Kremlin đã thông báo lệnh cấm với hầu hết các nông sản và thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ và EU, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Các nhà phân tích nhận định “cuộc chiến thương mại” giữa Moskva và phương Tây sẽ cho phép các nhà sản xuất lương thực lớn ở Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Chile và Mexico tạo lập được chỗ đứng tại thị trường Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý một số thách thức mà khu vực Mỹ Latinh phải đối mặt trên con đường “chinh phục” thị trường Nga, trong đó phải kể đến khoảng cách về địa lý lớn khiến thời gian vận chuyển kéo dài, khó khăn trong việc gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu rất lớn của Nga và nguy cơ căng thẳng chính trị giữa các nước Mỹ Latinh và phương Tây.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du kéo dài 6 ngày tại Mỹ Latinh, trong đó có dừng chân ở Brazil, quốc gia sản xuất lương thực lớn nhất khu vực.

Trong chuyến thăm, Moskva đã ký kết thỏa thuận nhập khẩu với hơn hai chục công ty sản xuất thịt gia cầm và năm nhà sản xuất thịt lợn của Brazil. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Nga tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu đối với thực phẩm của phương Tây. Sau đó, cơ quan y tế Nga đã cấp giấy phép nhập khẩu mới cho 87 nhà sản xuất thịt và hai nhà sản xuất sữa của Brazil.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa nhận định lệnh cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm từ các nước phương Tây trong vòng một năm cũng mang tính tích cực, sẽ có lợi cho thị trường nông nghiệp Nga vì điều này giúp làm tăng sức cạnh tranh.

Thủ tướng Medvedev cho rằng lệnh cấm trên sẽ không tác động bất lợi tới người tiêu dùng cũng như thị trường thực phẩm của Nga và "không dẫn tới sự thiếu hụt lớn hoặc làm giá cả tăng lên." Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho rằng các cơ quan chức năng của Nga sẽ liên tục giám sát thị trường thực phẩm và vấn đề nhập khẩu thực phẩm thay thế sẽ được giải quyết trong vòng 2-3 tuần.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Brazil và Nga đạt tổng cộng 3 tỷ USD, trong đó ngành sản xuất thịt bò đóng góp 563 triệu USD.

Ông Jose Augusto de Castro, Giám đốc Hiệp hội Ngoại thương Brazil, dự đoán rằng lượng xuất khẩu gia tăng của Brazil sang Nga trong năm nay có thể giúp nâng kim ngạch song phương tăng thêm 300-500 triệu USD so với các năm trước.

Ngoài Brazil, các nước Mỹ Latinh khác như Chile, Argentina, Mexico cũng có cơ hội tương tự. Nga hiện chỉ là thị trường xuất khẩu lương thực lớn thứ sáu của Chile, song các doanh nghiệp nước này đã đàm phán với các quan chức Nga để gia tăng lượng xuất khẩu hoa quả và hải sản.

Các quan chức Nga cũng liên hệ với các nông dân Argentina, để nhập khẩu cam quýt, sữa và thịt. Song, do năng lực sản xuất hạn chế, hai nước sẽ gặp trở ngại trong việc thỏa thuận để đưa ra mức giá hợp lý.

Với Mexico, quốc gia chỉ có mức xuất khẩu sang Nga chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu, diễn biến mới này mở ra cơ hội để đa dạng hóa các đối tác và giảm sự phụ thuộc của ngành lương thực nước này vào Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục