Cơ hội cho sự hòa giải và xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên

Thỏa thuận Hàn Quốc và Triều Tiên vừa đạt được không chỉ giúp “tháo ngòi nổ” cho quả bom nổ chậm, mà còn tạo ra một động lực mới cho việc cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Cơ hội cho sự hòa giải và xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên ảnh 1Binh sỹ Triều Tiên tham gia lao động sản xuất, một ngày sau khi tình trạng chiến tranh được bãi bỏ, tại Kaepung, khu vực biên giới phía tây Hàn Quốc ngày 26/8. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Thỏa thuận 6 điểm mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa đạt được sau hơn 40 giờ đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, giúp giảm căng thẳng vốn đã lên đến mức “báo động” trên bán đảo Triều Tiên.

Động thái này không chỉ giúp “tháo ngòi nổ” cho quả bom nổ chậm hiện nay, mà còn tạo ra một động lực mới cho việc cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Đây là cuộc đàm phán liên Triều cấp cao nhất trong gần một năm qua, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Căng thẳng bất ngờ bùng phát từ vụ nổ mìn ở khu phi quân sự (DMZ) phân cách hai miền Triều Tiên hôm 4/8 khiến 2 binh sỹ tuần tra của Hàn Quốc bị thương nặng.

Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên gây ra vụ nổ này và vi phạm thỏa thuận đình chiến cũng như hiệp ước không tấn công lẫn nhau, đồng thời yêu cầu Triều Tiên phải xin lỗi. Bình Nhưỡng đã thẳng thừng phủ nhận bất kỳ sự tham gia nào trong vụ nổ mìn.

Vì thế, việc Bình Nhưỡng bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc các binh sỹ Hàn Quốc bị thương trong vụ nổ mìn khiến dư luận ngạc nhiên. Động thái hiếm hoi này được cho là một trong những yếu tố chính giúp phá vỡ thế bế tắc cho các cuộc đàm phán liên Triều.

Theo giới quan sát, thỏa thuận liên Triều vừa đạt được, trong đó chỉ rõ những biện pháp mà Seoul và Bình Nhưỡng cần thực hiện để hạ nhiệt căng thẳng, đã bao gồm tất cả những điểm chính mà hai bên mong muốn, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc chấm dứt căng thẳng và đối đầu thời gian qua, trong khi nỗ lực thiết lập môt khuôn khổ mới cho mối quan hệ hai miền.

Nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận liên Triều có thể góp phần tạo đà mới cho sự hợp tác kinh tế giữa hai miền vốn bị ngừng trệ lâu nay.

Ngoài khu công nghiệp chung Kaesong, các dự án kinh tế liên Triều vẫn nằm trong tình trạng “treo” kể từ khi Hàn Quốc áp đặt lệnh cấm hợp tác kinh tế với Triều Tiên hồi tháng 3/2010, sau vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm ở Hoàng Hải.

Dư luận hy vọng bước đột phá hôm 25/8 có thể tạo điều kiện cho hai bên khởi động lại các cuộc đàm phán về các dự án hợp tác kinh tế và sau đó có thể là việc dỡ bỏ các lệnh cấm. Tuy không đề cập vấn đề này, nhưng thỏa thuận đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán cấp cao càng sớm càng tốt để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Một số nguồn tin nói rằng tại cuộc đàm phán cấp cao vừa qua, Triều Tiên đã nêu vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm và nối lại các chuyến du lịch tới khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang (Cưm-cang), vốn bị ngừng từ tháng 7/2008. Khu nghỉ dưỡng này được coi là một trong những biểu tượng nổi bật về sự hòa giải giữa hai miền và cũng là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách của Triều Tiên.

Thỏa thuận Panmunjom dù khiêm tốn nhưng có ý nghĩa quan trọng, nhất là tại thời điểm hiện nay khi hai miền lại rơi vào tình trạng “bên miệng hố chiến tranh.” Trước hết, thỏa thuận đã làm hài lòng dư luận Hàn Quốc khi giúp xóa bỏ nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Triều Tiên.

Ông Kim Young-woo, người phát ngôn đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc, cho rằng thật may mắn vì cuối cùng Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đạt được một thỏa thuận quan trọng, mở ra cơ hội cho các gia đình bị ly tán ở cả hai miền sớm được đoàn tụ trong thời gian tới.

Ông hy vọng mối quan hệ giữa hai miền sẽ bước sang một trang mới, hòa bình và hợp tác hơn. Tuy nhiên, quan chức Hàn Quốc cũng nhấn mạnh thỏa thuận này chỉ có ý nghĩa khi được thực hiện một cách đầy đủ.

Nhiều nhà quan sát lạc quan rằng đây là bước khởi đầu cho một chương mới trong quan hệ liên Triều sau nhiều năm căng thẳng.

Nếu hai bên từng bước xây dựng được lòng tin, không loại trừ khả năng sẽ dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, sau khi đã tổ chức được hai cuộc gặp tương tự vào các năm 2000 và 2007.

Tuy nhiên, ngoài những ý kiến lạc quan cũng có một số ý kiến thận trọng cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, việc các bên tuân thủ đúng những cam kết trong thỏa thuận vừa đạt được cũng là điều không dễ dàng.

Dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn hy vọng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ trân trọng những nỗ lực vừa qua, xóa bỏ sự nghi kỵ giữa các bên, tiến tới hàn gắn mối quan hệ nhằm tạo cơ hội thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục