Việc mở cửa du lịch và nối lại sản xuất khẳng định Việt Nam đã vượt qua đại dịch COVID-19 một cách ngoạn mục, sẵn sàng trở thành trung tâm kinh tế khu vực, có khả năng thay thế Trung Quốc trên một số lĩnh vực trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhận định của Giáo sư kinh tế Pankaj Jha đăng trên tờ Modern Policy.
VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Báo cáo tháng 4/2020 của IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 2,7% bất chấp xu hướng suy thoái toàn cầu, vượt xa các nước trong khu vực. Tuy nhiên, lạm phát cũng được dự báo sẽ cao hơn 3%, song vẫn nằm ở mức có thể kiểm soát.
Để so sánh, theo IMF, Philippines và Indonesia cũng sẽ tăng trưởng lần lượt là 0,6% và 0,5% trong năm 2020. Những nền kinh tế lớn như Thái Lan và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, phát biểu hồi tháng 5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 2,7%.
IMF đã điều chỉnh các dự báo trong báo cáo tháng 5 năm 2020, theo đó nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7% vào năm 2021.
Điều này có nghĩa kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sau những tổn thất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vào năm 2020. Các lý do IMF đưa ra bao gồm nền tảng kinh tế khoẻ mạnh và tăng trưởng xuất khẩu. Một lý do khác là nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
[Những giải pháp để nền kinh tế Việt Nam thực sự đột phá]
Forbes đã dự báo Việt Nam là một trong những điểm đến an toàn nhất do đã có những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Việt Nam chỉ ghi nhận 331 ca nhiễm COVID-19, trong đó không có ca tử vong nào. Đây được xem như một thành tựu ở cấp độ quốc tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ngành du lịch, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có những biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư, thậm chí có đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 30% để kích thích đầu tư.
Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về một dự thảo nhằm thúc đẩy đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các doanh nghiệp nhà nước; theo đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và thậm chí là lùi thời hạn nộp thuế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 97% các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đề xuất này sẽ thúc đẩy hợp nhất vốn, lao động có trình độ và bước đầu phát triển công nghệ. Điều kiện là doanh nghiệp phải chứng minh được khoản lỗ trong năm tài chính này. Hơn nữa, Trung Quốc đang phải đối mặt với xu hướng giảm mạnh trong xuất khẩu mặt hàng dệt may do lượng cầu của châu Âu giảm.
Việt Nam đang chuyển hướng tới thị trường quốc tế sau Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), dự kiến có hiệu lực vào tháng 8 năm nay. Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích từ EVFTA.
Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực có FTA với EU sau Singapore. Hiệp định thương mại Việt Nam-EU sẽ cho phép 71% hàng hóa Việt Nam vào châu Âu không chịu thuế; ngược lại, 65% hàng hóa châu Âu vào Việt Nam không phải chịu thuế. Việt Nam hy vọng Hiệp định thương mại này sẽ khiến Trung Quốc mất đi ưu thế, đặc biệt trong xuất khẩu các mặt hàng giày dép và may mặc.
Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu gần 42 tỷ USD hàng vào châu Âu. Dự kiến, EVFTA sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng thêm 2,4%. Việt Nam cũng đang tìm kiếm một FTA với Mỹ nhằm tận dụng xu hướng bài xích Trung Quốc trong thị trường Mỹ. Nhiều khả năng tính xoay vòng nhanh của nền sản xuất Việt Nam sẽ giúp Việt Nam chiếm thị phần trong thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhằm tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đã mở cửa du lịch, thu hút du khách trong nước để chứng minh rằng Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Du lịch chiếm gần 9% trong nền kinh tế 260 tỷ USD của Việt Nam. Du khách trong nước chiếm gần 80%.
Việc mở lại đường bay quốc tế và các ưu đãi du lịch, đặc biệt là đối với khách sạn và tour nhóm, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành du lịch của Việt Nam. Việt Nam cũng có thể thu hút khách du lịch do các điểm đến nổi tiếng như Singapore, Thái Lan chưa thể đón khách trở lại.
Mặc dù chính phủ Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sản xuất và du lịch, song một số lĩnh vực kinh doanh như cửa hàng nhỏ, nhà hàng, rạp chiếu phim và các điểm giải trí khác đều bị ảnh hưởng.
Nếu không có lượng cầu từ thị trường trong nước, khoảng 10,3 triệu lao động sẽ mất việc hoặc phải hưởng lương thấp. Các lĩnh vực quan trọng khác như giáo dục, đào tạo cũng đều bị ảnh hưởng.
Việt Nam đã thông qua các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn lương thực với mức kích thích 2,6 tỷ ÚD, đồng thời cho phép chậm trả thuế, phí sử dụng đất.
Một trong những lĩnh vực chính mà Việt Nam đang tìm hướng phát triển là tiếp thị trực tuyến và thương mại điện tử đối với các cửa hàng nhỏ và doanh nghiệp. Thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy các mạng lưới phân phối và đóng gói, mà đây lại là lợi thế cho lĩnh vực sản xuất.
Trên thế giới, các nền tảng học tập và ứng dụng họp trực tuyến được đánh giá cao; Việt Nam dự kiến cũng áp dụng những ứng dụng này để thúc đẩy đào tạo nghề và tiếng Anh cho học sinh. Cũng có ý kiến hy vọng rằng công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng trong ngành y tế, như chẩn đoán và chăm sóc từ xa. Ngoài ra, có khả năng điều tra bằng công nghệ thực tế ảo (VR) được sử dụng trong trường hợp nghiêm trọng.
Việt Nam hiểu rõ rằng mình có thể thiết lập một dây chuyền sản xuất giá rẻ nếu vắcxin COVID-19 được chế tạo thành công. Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn với bộ kit thử nghiệm PPE và những thiết bị y tế khác; và hoàn toàn có thể nghiên cứu tiềm năng liên doanh sản xuất thiết bị y tế và bộ thử giá rẻ với các nước khác. Thị thực kinh doanh dài hạn, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại, cấp phép cho cơ chế một cửa đối với FDI sẽ tạo ra thời kỳ bùng nổ cho nền kinh tế Việt Nam.
Vào thời điểm này, cơ cấu và sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm các ưu đãi thuế, cắt giảm thủ tục hành chính, hợp nhất vốn thông qua quy trình FastTrack cho thấy Việt Nam sẽ nổi lên là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cũng cần đánh giá xem Việt Nam có thể tận dụng cơ hội và có biện pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian này hay không, để từ đó mở đường cho mức tăng trưởng hai chữ số trong thập kỷ tới./.