Cơ hội cho các doanh nghiệp Séc đầu tư tại tỉnh Hà Nam

Hà Nam tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đầy đủ dịch vụ và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, cùng đoàn công tác của tỉnh Hà Nam làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao. (Ảnh: TTXVN phát)
Bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, cùng đoàn công tác của tỉnh Hà Nam làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong chương trình xúc tiến đầu tư tại một số nước châu Âu, ngày 30-31/5, bà Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Hà Nam đến làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao và gặp gỡ các doanh nghiệp, hội đoàn người Việt Nam tại Séc.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Séc, bà Lê Thị Thủy giới thiệu tóm tắt về tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, đồng thời thông tin về những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy cho biết Hà Nam tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đầy đủ dịch vụ và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2023, tỉnh Hà Nam xếp thứ 9 cả nước trong số địa phương có Chỉ số Xanh (PGI), qua đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh Hà Nam về vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hiện nay, Hà Nam đã và đang đầu tư xây dựng 12 khu công nghiệp với diện tích 3.474ha (trong đó 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động), 14 cụm công nghiệp với diện tích gần 400ha cũng như thực hiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam với quy mô diện tích hơn 660ha, ưu tiên thu hút các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), điện tử-bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.

ttxvn_3105_sec ha nam (2).jpg
Bà Lê Thị Thủy tặng quà lưu niệm cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Cộng hòa Séc. (Ảnh: TTXVN phát)

Thay mặt cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Đại sứ Dương Hoài Nam đã thông tin tới đoàn công tác của tỉnh Hà Nam về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, về mối quan hệ giữa hai quốc gia, chính sách bảo hộ thương mại, bảo hộ đầu tư, cơ hội hợp tác đầu tư tại Séc và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Séc vào Việt Nam.

Đại sứ cũng đánh giá cao vai trò của cộng đồng và các doanh nghiệp của người Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hai nước trên lĩnh vực kinh tế.

Trong chiều 30/5, đoàn có buổi làm việc với Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, các hội đoàn và doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn châu Âu thông tin về hoạt động của hội đoàn người Việt Nam; nghe đại diện trong cộng đồng thông tin về đời sống, hoạt động kinh doanh tại Cộng hòa Séc và nhu cầu đầu tư về Việt Nam, nhu cầu nhập hàng hóa, nhất là hàng nông sản từ Việt Nam vào Séc.

Tại buổi làm việc, nhiều doanh nhân người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đánh giá cao môi trường đầu tư tại Hà Nam.

Ông Nguyễn Thái Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc, đồng tình, ủng hộ sáng kiến được về tìm hiểu trực tiếp Hà Nam để tìm cơ hội đầu tư và đánh giá cao sự nhiệt tình, cởi mở của lãnh đạo tỉnh Hà Nam khi làm việc, tiếp xúc, thu hút đầu tư; mong muốn sẽ đầu tư thành công vào Hà Nam.

Ông Đỗ Thành Trung, Chủ tịch Tập đoàn Elmich, trao đổi về thực tế đã đầu tư tại Hà Nam và đề xuất việc thành lập đoàn của Hội Doanh nghiệp để về trực tiếp nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Hà Nam để có những quyết định đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, việc hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Séc vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Điều này thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả Việt Nam và Cộng hòa Séc, cơ cấu hàng hóa giữa hai nước còn hẹp, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp.

Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Séc vẫn là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như giày dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện..., trong khi mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Séc là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sản phẩm từ sắt thép...

Môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam nói chung, trong đó có Hà Nam, đang ngày càng được cải thiện sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng Việt Nam tại Séc đầu tư vào trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục