Cơ hội bành trướng của các tập đoàn lớn của Mỹ trong đại dịch COVID-19

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19, giá trị thị trường của các tập đoàn lớn của Mỹ đã tăng trưởng nhanh chóng trong khi các đối thủ cạnh tranh quy mô nhỏ hơn đối mặt nguy cơ giải thể.
Biểu tượng của tập đoàn Amazon ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sáu tháng tới có thể là quãng thời gian chứng kiến đợt tập trung sức mạnh lớn nhất của các tập đoàn khổng lồ nước Mỹ trong gần một thập kỷ vừa qua.

Bất chấp việc chính phủ nước này đang ra sức kiểm soát các tập đoàn, một loạt các yếu tố pháp lý và kinh tế có khả năng sẽ ngăn chặn Nhà Trắng thực hiện ý định này.

Trong bài viết đăng tải trên tờ New York Times và được tuần báo The Age của Australia dẫn lại, chuyên gia kinh tế Austan Goolsbee nhận định bản chất của vấn đề là trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài do đại dịch COVID-19 tạo ra, giá trị thị trường của các tập đoàn lớn đã tăng trưởng nhanh chóng, trong khi các đối thủ cạnh tranh quy mô nhỏ hơn đang phải đối mặt với nguy cơ giải thể.

Hơn 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ đã phải đóng cửa và hàng triệu doanh nghiệp khác lâm vào tình trạng phải đối mặt với rủi ro.

Những "sát thủ thâu tóm"

Bản thân sự tập trung quyền lực trong một số ít các tập đoàn lớn không phải là điểm mới. Các nhà nhiên cứu kinh tế chỉ ra rằng mức độ tập trung của các tập đoàn lớn đã gia tăng đáng kể trong vài năm gần đây, kéo theo lợi nhuận của các tập đoàn tăng lên, nhưng lại khiến cho thu nhập của người lao động giảm xuống.

Ngoài ra, vốn đầu tư của các tập đoàn đã chậm lại, kéo theo tốc độ hình thành doanh nghiệp mới cũng giảm theo.

Các học giả đã tranh luận về lý do tại sao tất cả những điều này lại xảy ra, bao gồm những đổi mới về công nghệ, sự suy giảm khả năng thương lượng của người lao động và thất bại của các cơ quan quản lý chống độc quyền đều được coi là nguyên nhân. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả.

Sự thực là các doanh nghiệp có giá trị sở hữu lớn đã tìm cách tăng cường hoạt động thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ hơn trong suốt vài thập kỷ gần đây.

Nhà kinh tế Colleen Cunningham thuộc trường London Business School và hai nhà nghiên cứu Florian Ederer và Song Ma của Đại học Yale cho biết, các công ty lớn hơn thường đóng vai trò là "sát thủ thâu tóm," với suy nghĩ cần phải mua lại các đối thủ cạnh tranh đổi mới, để ngăn chặn họ trở thành mối đe dọa lớn trong tương lai.

Một công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Thomas Wollmann thuộc Đại học Chicago kết luận rằng các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thường phát triển theo xu hướng như vậy.

Điều bất thường trong thời điểm hiện nay đó chính là sự phân hóa mạnh mẽ về nguồn lực trong các loại hình khác nhau của công ty. Nhiều công ty lớn hiện rủng rỉnh tiền bạc, trong khi các công ty cạnh tranh nhỏ hơn lại rơi vào tình trạng bấp bênh chưa từng có.

Dữ liệu mới nhất về dòng vốn doanh nghiệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ngay từ thời gian đầu của đại dịch, các doanh nghiệp phi tài chính đã thu về 4.100 tỷ USD tiền mặt - con số lớn nhất từ trước đến nay.

Những công ty này được hưởng chính sách giảm thuế rất lớn theo Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017, bao gồm các ưu đãi để mua lại công ty khác.

Sau đó, cũng vào đầu năm nay, Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và Đảm bảo Kinh tế COVID-19 (Coronavirus Aid, Relief àn Economic Security - CARES), nhằm giải cứu nền kinh tế Mỹ thoát khỏi sự tàn phá của COVID-19, đã trao quyền lực để Fed cung cấp khoản vay trợ cấp lên tới 5.000 tỷ USD cho các doanh nghiệp lớn.

Với việc được trao một nguồn lực to lớn như vậy, nhiều tập đoàn khổng lồ của Mỹ đang ở trong trạng thái "sung mãn nhất," nhưng ngược lại nhiều doanh nghiệp nhỏ đứng trước triển vọng ảm đạm, khi mà khả năng tiếp cận thị trường vốn công đã cạn kiệt vào cuối tháng Bảy vừa qua.

Thời điểm khó khăn cho các chiến lược “cứng rắn”

Điều cần thiết để ngăn chặn các tập đoàn lớn thâu tóm một loạt các doanh nghiệp nhỏ là cấp thêm nhiều quyền hành hơn nữa cho các cơ quan chống độc quyền của chính phủ.

Nhìn bề ngoài, dường như đó là việc rất dễ để thực hiện. Tuy nhiên, điều này yêu cầu Bộ Tư pháp hoặc Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phải thông qua phán quyết rằng bất kỳ sự thâu tóm nào cũng sẽ không làm giảm mức độ cạnh tranh doanh nghiệp, để trao quyền cho các cơ quan quản lý.

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thực tế không phải như vậy, có ba điểm gây khó khăn cho các nhà chức trách đang theo đuổi chiến lược "cứng rắn" vào thời điểm quan trọng hiện nay.

Thứ nhất, ngân sách thực thi cho các hành động chống độc quyền của Mỹ đã "mỏng" đi rất nhiều, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xuất hiện. Ngân sách đó đã bị cắt giảm trong nhiều năm liên tiếp và hiện thấp hơn so với hai thập kỷ trước.

Tất cả các bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp và FTC đang buộc phải hoạt động với một lượng nhân viên "ít ỏi."

Mặc dù hơn 10 năm qua, số lượng hồ sơ sáp nhập (thông báo cho các cơ quan chức năng về một dự định sáp nhập) đã tăng gần gấp đôi, song số lượng các hành động thực thi của chính phủ lại giảm đi đáng kể.

Thứ hai, có một điểm cụ thể trong bản hướng dẫn sáp nhập cho cái được gọi là "bảo vệ công ty thất bại."

[Apple trở thành tập đoàn Mỹ đầu tiên có giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD]

Nội dung này thể hiện rằng việc sát nhập sẽ không tạo ra nhiều sức mạnh thị trường hơn (và điều đó có thể được cho phép), nếu mục tiêu là các công ty đang đứng ở bờ vực phá sản.

Trừ khi Quốc hội Mỹ chấp thuận tăng thêm tiền cứu trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, rất nhiều trong số đó sẽ phải giải thể; số lượng các công ty có thể giải tán nếu không được sáp nhập, một cách hiệu quả, là không giới hạn. Sự phức tạp ngắn hạn đó đe dọa mở ra cánh cửa cho một đợt thâu tóm mới.

Thứ ba, hồ sơ chống độc quyền của Mỹ trong các cuộc khủng hoảng không có sự bảo đảm.

Như Giáo sư Luật Daniel Crane thuộc trường Đại học Michigan nhận định: "Trong lịch sử gần 120 năm của Đạo luật Sherman, không có chính quyền chính trị nào phản ứng với một cuộc khủng hoảng bằng cách kêu gọi thực thi mạnh mẽ hơn luật chống độc quyền. Ngược lại, Chính quyền của cả hai Đảng lớn tại Mỹ đều đã phản ứng với các cuộc khủng hoảng - cả về mặt quân sự và kinh tế - bằng cách rút lại một cách rõ ràng hoặc ẩn ý việc thực thi chống độc quyền. Các chuyên gia công nghiệp đã sử dụng khủng hoảng như cơ hội để tăng cường sự thống trị của họ trên thị trường."

Ví dụ rõ rệt nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế vào đầu những năm 2000 đã dẫn đến sự sụp đổ các doanh nghiệp ngành viễn thông, với sự hợp nhất khổng lồ của hai tập đoàn AT&T và Verizon.

Cuộc khủng hoảng tài chính của một thập kỷ trước cũng chứng kiến một làn sóng sáp nhập tương tự trong lĩnh vực ngân hàng.

Tác giả khuyến nghị, khi Quốc hội và Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét các biện pháp cứu trợ bổ sung cho khối doanh nghiệp nhỏ, họ cần phải tính toán đến những mối đe dọa khác ngoài nguy cơ rủi ro về việc làm trong tháng tới.

Cuộc suy thoái lớn nhất trong vòng gần một thế kỷ có nguy cơ sẽ làm thay đổi cơ bản cán cân cạnh tranh về điểm số của các ngành công nghiệp trong nhiều thập kỷ tới. Điều đó có thể nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo tác giả, sự giàu có mà các cổ đông kiếm được, xuất phát từ việc Chính phủ Mỹ không thể kiểm soát các tập đoàn lớn, sẽ tạo thành chiếc "vòng kim cô" kiềm tỏa hàng triệu người tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục