Công tác tại một trường học nơi xã đảo vốn điều kiện nhiều thiếu thốn nhưng cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoàng Châu (xã đảo Hoàng Châu, huyện Cái Hải, thành phố Hải Phòng) đã không ngừng nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để mang đến cho học trò những giờ học thật đa màu sắc và sinh động.
Không ngừng đổi mới
Là một người con sinh ra và lớn lên ngay trên xã đảo Hoàng Châu, nơi đầu sóng ngọn gió, nước biển bao quanh cả làng quê, cô Huyền thấm rõ sự khó khăn, vất vả đầy nguy hiểm của bao con người nơi đây. Vì thế, ngay từ những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường, cô đã khao khát trở thành cô giáo, được quay trở về quê hương, gieo mầm cho những ước mơ, hoài bão cho các em nhỏ.
Nhưng khi khát khao ấy trở thành hiện thực, chính thức là giáo viên dạy môn Ngữ văn và phụ trách công tác Đoàn - Đội của Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Hoàng Châu, cô Huyền mới thực sự cảm nhận hết những khó khăn, thách thức của một giáo viên nơi xã đảo, nhất là một giáo viên trẻ. Hoàng Châu là một xã thuần ngư, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên ngoài giờ tới lớp, nhiều học sinh phải phụ giúp bố mẹ việc nhà, thậm chí đi biển. Nhiều em mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh gia đình, thiếu hòa đồng với bạn bè, thầy cô.
Quyết tâm dù khó khăn, vất vả thế nào cũng không lùi bước, cô Huyền đã cố gắng để tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh để có sự đồng cảm, chia sẻ với các em. Là giáo viên trẻ, tuổi đời, tuổi nghề đều còn non trẻ, cô không ngại học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiên cứu các bài giảng, phương pháp trên mạng Internet, đăng ký các khóa học phục vụ cho công tác Đoàn – Đội và giảng dạy Ngữ Văn.
Cô đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc áp dụng các phần mềm, ứng dụng trong dạy và học như hệ thống quản lý học tập trực tuyến Canvas, công cụ học tập trực tuyến thông qua trò chơi Kahot… Việc tích hợp các công cụ vào giảng dạy và vận dụng phương pháp học tập mới, những bài giảng của cô không còn đơn điệu, những giờ văn không còn nhàm chán, học sinh vô cùng hào hứng, thích thú, từ đó khắc sâu kiến thức một cách có hệ thống. Các học trò của cô theo đó cũng biết cách sử dụng công cụ để giải quyết các vấn đề trong thực tế, tạo ra các sản phẩm tư duy sáng tạo.
Theo cô Huyền, bên cạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng là cách để nhà giáo trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học trò. Trong những năm qua, cô đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn như: sáng kiến máy sấy hoa quả; dự án áo phao, bè phao bơi từ chai lọ nhựa được lọt vào tốp 5 chung cuộc của cuộc thi “Sáng tạo rác thải nhựa vì một đại dương không rác” do tổ chức UNESCO Việt Nam tổ chức.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Không chỉ hoàn thành tốt vai trò giáo viên Ngữ văn, cô Huyền còn là một tổng phụ trách đội xuất sắc. Theo cô Huyền, công tác Đoàn – Đội luôn đòi hỏi những tố chất đặc biệt của người đóng vai trò “thủ lĩnh”, “kỹ sư tâm hồn”, biết xây dựng kế hoạch, thiết kế, tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, tạo môi trường rèn luyện cho đội viên. Việc tổ chức các hoạt động Đoàn, Đội phải thực sự thiết thực, phù hợp, luôn luôn đổi mới đồng thời có sự động viên, tuyên dương khen thưởng kịp thời đối với mỗi cá nhân, tập thể đạt thành tích mới tạo cho các em sự hào hứng.
“Muốn đưa phong trào Đoàn-Đội đi lên, trước hết phải thu hút đông đảo học sinh tham gia, vì vậy tôi luôn gần gũi, nắm bắt tâm lý, tận tình hướng dẫn các em giống như một người chị, người bạn thân thiết,” cô Huyền chia sẻ.
Với quan điểm đó, cô Huyền đã chủ động tìm hiểu về các học sinh thông qua các giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để từ đó đề xuất các hình thức giúp đỡ phù hợp, kịp thời bằng như gặp gỡ, động viên, hỗ trợ sách vở, quần áo, sữa… cho các em.
Cô triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm khích lệ, thu hút học sinh như “Giúp bạn đến trường”, “Kế hoạch nhỏ”, “Đọc và làm theo báo Đội”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Công trình măng non”… Các hoạt động đã góp phần thu hút đông đảo học sinh đến với công tác Đội, tiếp thêm động lực để các em vươn lên trong cuộc sống, tự tin trong học tập và tham gia đầy đủ các hoạt động tập thể.
Cô đưa giáo dục STEM vào hoạt động Đội thông qua chương trình “Vui học cùng Semaphore” [một phương thức truyền tin bằng cờ hiệu trong hoạt động Đội]. Học sinh được cô hướng dẫn để tự làm đồng hồ Semaphore, bảng ký hiệu Morse, Semaphore từ các vật liệu tái chế. Cách làm này đã khích lệ học sinh tự học, vừa học vừa chơi, tiết kiệm thời gian tập luyện cờ hiệu nhưng nâng cao hiệu quả cao, đặc biệt là tạo cho các em hứng thú đối với công tác Đội… Vì thế, Liên đội Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoàng Châu là liên đội đầu tiên ở huyện Cát Hải có học sinh đạt tốp 10 thí sinh xuất sắc trong Liên hoan Chỉ huy đội giỏi toàn quốc.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2024: Tuyên dương 60 giáo viên tiêu biểu
Đây là những thầy cô giáo tiêu biểu nhất trong số 146 đề cử từ 54 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các tỉnh, thành phố, Ban Thanh niên Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng trên cả nước.
“Những năm gần đây, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoàng Châu không có học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng, không xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Ý thức tự giác, chủ động của học sinh trong học tập và các phong trào chung ngày càng được nâng lên rõ rệt,” cô Huyền tự hào nói.
Với những nỗ lực, sự nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo không ngừng vì học sinh thân yêu, cô Huyền đã đạt nhiều thành tích và nhận nhiều bằng khen, giấy khen các cấp như bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo giáo dục; bằng khen của Trung ương Đoàn, bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng; ba năm liền nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp thành phố; bằng khen, giấy chứng nhận của tổ chức UNESCO Việt Nam...
Cô cũng là một trong 60 nhà giáo được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chọn vinh danh nhà giáo tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.
“Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, tôi sẽ không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo và truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò, đem đến niềm vui, niềm hy vọng và ươm mầm ước mơ cho học sinh huyện đảo Cát Hải,” cô Huyền nói./.