Cô giáo trẻ khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử cho học sinh

Để các học sinh hứng thú học môn Sử, cô giáo trẻ Nguyễn Thu Quyên đã ứng dụng công nghệ vào giảng dạy; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ứng dụng phương pháp liên môn một cách hiệu quả.

Với cô Nguyễn Thu Quyên, giáo viên môn Lịch sử của trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), năm 2014 là năm nhiều tin vui khi cô liên tiếp nhận được các giải thưởng cấp ngành ghi nhận các sáng kiến giảng dạy môn Lịch sử của một giáo viên trẻ tâm huyết với nghề.

Gần đây nhất, tháng 8/2014, sáng kiến “Sử dụng phim tư liệu trong dạy học Lịch sử” của cô đoạt giải Nhất cấp ngành ở tỉnh. Tháng 9/2014, Bài giảng trực tuyến“ Tiếng sấm Đường 5” của cô cùng 3 giáo viên trẻ trong tổ Sử tiếp tục đạt giải Nhất và được gửi dự thi cấp Quốc gia.

Say mê ứng dụng công nghệ vào dạy học

Về dạy học ở trường Nguyễn Trãi từ năm 2005, cô Quyên được biết đến là một giáo viên trẻ ham tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học.

Cô giáo Quyên chia sẻ, cô rất yêu thích những đề tài đổi mới phương pháp dạy học ngay từ những năm cô còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm thứ 2 đại học, Quyên đã tham gia nhiều đề tài khoa học về đổi mới phương pháp. Cô tốt nghiệp với khóa luận bốn điểm 10 cho đề tài “Tổ chức dạ hội Lịch sử cho học sinh” - một hoạt động ngoại khóa để khuyến khích học sinh yêu thích môn Sử.

Thời kỳ đầu về trường Nguyễn Trãi, Quyên hào hứng áp dụng phương pháp nâng cao hiệu quả bài học lịch sử thông qua việc cho học sinh thuyết trình, nhưng tư duy mới của cô giáo trẻ gặp không ít những ý kiến trái chiều của đồng nghiệp.

“Chính giáo viên chủ nhiệm của một lớp chuyên khác (không phải chuyên Sử) với suy nghĩ môn Sử chỉ là môn phụ cho học sinh lớp mình đã phản đối vì cho rằng cách dạy của Quyên sẽ làm học sinh mất thời gian với môn học này. Có đồng nghiệp còn cho rằng việc này đi ngược với quan điểm dạy học lâu nay, đó là giáo viên, người truyền thụ kiến thức, phải nói nhiều hơn học sinh. Khi đó mình buồn lắm” - Quyên nhớ lại.

Nhưng được Ban Giám hiệu, trực tiếp là thầy Hiệu trưởng khuyến khích và chính sự hứng thú của học sinh sau từng bài giảng đã thêm sức mạnh cho Quyên đi tiếp.

Từ thực tiễn dạy học, Quyên đã đúc kết phương pháp này thành một "Sáng kiến kinh nghiệm" và đã giành giải nhất cấp trường, góp tên vào danh sách những sáng kiến chọn lọc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương.

Quyên còn giành được giải Khuyến khích cấp Bộ năm 2012 cho sáng kiến “Vận dụng phương pháp liên môn trong dạy học Lịch sử.”

Yêu thích ứng dụng công nghệ vào dạy học nên Quyên tận dụng tối đa việc đăng ký sử dụng phòng học đa năng – nơi có trang bị máy chiếu, để giảng bài cho học sinh. Những hôm nào phòng được bộ môn khác sử dụng, cô chuyển sang minh họa bài giảng bằng tư liệu tranh, ảnh.

Hiện Quyên còn ấp ủ một mong muốn tạo ra được phần mềm “Vui như học Lịch sử,” tương tự phần mềm “Tiếng Anh kỳ thú.”

Từ khoảng 4 năm nay Quyên làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Đảng. Tận dụng khoảng thời gian về Hà Nội học, cô tranh thủ đi tìm các loại phần mềm để hiện thực hóa ý tưởng này, tuy nhiên để thực hiện được ý tưởng cần đầu tư hàng tỷ đồng. Đây là điều khó khả thi ở thời điểm hiện tại.


“Gia tài” của cô giáo dạy Sử

Quá trình tìm tòi cách dạy học sáng tạo đã giúp Quyên tích lũy được một ổ cứng nhiều phim tư liệu của Việt Nam và thế giới, các phần mềm dạy lịch sử cổ trung đại cùng rất nhiều tấm bạt in tranh, ảnh, bản đồ về bộ môn Sử.

Nhưng với Quyên, việc sở hữu các công cụ này chưa đủ, điều làm nên thành công của Quyên là cách sử dụng chúng với thời lượng vừa đúng và đủ để khơi gợi học sinh hứng thú với nội dung bài học.

Song song với bồi dưỡng chuyên môn, Quyên luôn tự học các kỹ năng về công nghệ thông tin, cách tìm phần mềm dạy học Lịch sử, cách tải, cắt đoạn các phim tư liệu trên Internet phù hợp với nội dung bài giảng…

Ban Giám hiệu nhà trường cũng ghi nhận những cố gắng của Quyên đã góp phần mang lại thành tích môn Sử trong các kỳ thi đại học cũng như thi quốc gia của trường Nguyễn Trãi.

Nhiều năm qua, trường chuyên Nguyễn Trãi luôn thuộc tốp dẫn đầu các trường có tỷ lệ học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia.

Đặc biệt, năm học 2012, cùng với cô giáo hiệu phó nhà trường là Nguyễn Thị Hồng Thanh, cô Quyên đã có thành tích bồi dưỡng ba học sinh của trường đoạt giải Nhất quốc gia môn Lịch sử.

Cô giáo Quyên đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, như giải khuyến khích cuộc thi cấp Bộ cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên Trung học năm học 2012-2013, 3 bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương dành cho giáo viên có thành tích xuất sắc bồi dưỡng học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Giúp học sinh nâng cao lòng tự tôn dân tộc

Chia sẻ niềm vui trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Quyên cho biết, cô may mắn khi được công tác tại một trường chuyên – nơi có cơ sở vật chất được ưu tiên đầu tư, trình độ đồng nghiệp đồng đều, học sinh lớp chuyên đều ham học và yêu thích môn Lịch sử.

Sự hội tụ những yếu tố này là điều kiện thuận lợi cho những giáo viên như cô có cơ hội để áp dụng sáng kiến đổi mới dạy học.

Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay của Quyên là còn nhiều rào cản để có thể biến môn Sử thành môn học yêu thích với học sinh.

Liên hệ giữa việc đổi mới giáo dục hiện nay với mục tiêu khơi dậy tình yêu môn Lịch sử cho giới trẻ, cô giáo Nguyễn Thu Quyên chia sẻ: “Mình thấy hiện nay học sinh Việt Nam vẫn yếu môn lịch sử, một phần do sách giáo khoa vẫn nặng và dàn trải kiến thức.”

Theo cô, nên đổi mới nội dung sách giáo khoa theo hướng ít sự kiện hơn, tập trung vào sự kiện mang tính mốc son của từng thời kỳ. Còn về hình thức, nên tăng hình ảnh, giảm chữ. Với hướng đó, Quyên tin học sinh sẽ thích môn học hơn, từ đó giáo viên cũng “có nhiều đất diễn hơn.”

Việc đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy, cũng cần đồng bộ với đổi mới cách ra đề thi với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Theo đó, tỷ lệ câu hỏi phát triển tư duy sáng tạo của học sinh cần tăng lên, đặc biệt là luôn có yêu cầu học sinh tìm sự liên hệ giữa lịch sử trong nước và thế giới, biết được thế giới đang phát triển ra sao và Việt Nam đang đứng ở đâu trong sự phát triển này.

“Làm được điều này, việc học Sử còn có ý nghĩa giúp các em nâng cao lòng tự tôn dân tộc”, Quyên chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục