Cô giáo tốp 10 giáo viên toàn cầu trúng cử đại biểu quốc hội khóa XV

Cô giáo tốp 10 giáo viên toàn cầu trúng cử đại biểu quốc hội khoá XV

Là người dân tộc Mường, sinh ra từ vùng quê nghèo thuộc tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng đã từng bước nỗ lực để trở thành giáo viên xuất sắc toàn cầu và là đại biểu Quốc hội khóa XV.
Cô giáo tốp 10 giáo viên toàn cầu trúng cử đại biểu quốc hội khoá XV ảnh 1Cô Hà Ánh Phượng và học sinh trong tiết học không biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Cô Hà Ánh Phượng, sinh năm 1991, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hương Cần, tỉnh Phú Thọ vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Năm 2020 là một dấu ấn đặc biệt với cô Hà Ánh Phượng khi cô được tổ chức Varkey Foundation vinh danh là một trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Theo đó, cô Hà Ánh Phượng là giáo viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này nhận được danh hiệu trên.

Cũng trong năm 2020, cô Hà Ánh Phượng đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, là một trong những điển hình tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục năm 2020.

Là người dân tộc Mường, sinh ra từ vùng quê nghèo tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng rất thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc nhưng cô Phượng đã từ chối nhiều cơ hội việc làm tốt hơn để trở về quê hương làm một giáo viên dạy ngoại ngữ.

Cô đã có nhiều giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối lớp học của mình với lớp học của hàng chục quốc gia trên thế giới qua mạng Internet. Với phương pháp giáo dục hiện đại như học qua dự án, qua thuyết trình, những tiết học xuyên biên giới không chỉ giúp học sinh của cô có cơ hội thực hành tiếng Anh mà còn giúp các em hiểu và quảng bá với bạn bè quốc tế về văn hóa Việt Nam như giới thiệu các món ăn, phong tục tập quán của người Việt.

[Cơ cấu 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV]

Cô cũng giúp học sinh của mình tham gia vào nhiều dự án toàn cầu có ý nghĩa về bảo vệ môi trường như chống rác thải nhựa, dùng ống hút thiên nhiên...

Từ những học sinh nhút nhát, ban đầu còn cúi gằm mặt trước màn hình máy tính, những học sinh dân tộc thiểu số của cô Phượng đã dần tự tin hơn. Các em đã không chỉ mạnh dạn giao tiếp với học sinh, giáo viên nước ngoài mà còn chủ động tìm kiếm thông tin để chia sẻ, thuyết trình với bạn bè quốc tế. Từ những học sinh có hạn chế về công nghệ, các em thậm chí đã giới thiệu với cô các ứng dụng mới nhiều tính năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục