Cô giáo tiểu học và sáng kiến ứng dụng “Sổ tay đến trường”

Với ứng dụng “Sổ tay đến trường” kết nối giữa gia dình và nhà trường, hữu ích với gia đình có con học hòa nhập, cô Trương Thị Hiền đã được trao danh hiệu Nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo năm 2022.
Cô giáo tiểu học và sáng kiến ứng dụng “Sổ tay đến trường” ảnh 1Ứng dụng Sổ tay đến trường do cô Hiền xây dựng có 3 mục chính gồm hoạt động hàng ngày; khoảnh khắc đáng nhớ và chia sẻ kết nối. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Với ý tưởng sáng tạo xây dựng ứng dụng “Sổ tay đến trường,” cô giáo Trương Thị Hiền (Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã khiến sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trở nên liên tục, khăng khít hơn.

Đặc biệt, với tính năng riêng biệt, ứng dụng còn trở nên cực kỳ hữu ích với các gia đình có con học hòa nhập. Với sáng kiến này, cô Trương Thị Hiền đã được trao danh hiệu Nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo năm 2022.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 2008, cô giáo Trương Thị Hiền (sinh năm 1986) nhận công tác tại Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) và gắn bó tới nay.

Với sự tận tình, trách nhiệm và chuyên môn vững, cô giáo Hiền luôn được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1. Năm học 2022-2023, cô được giao chủ nhiệm lớp 1A9.

Ứng dụng “Sổ tay đến trường” do cô Hiền xây dựng có 3 mục chính gồm hoạt động hằng ngày; khoảnh khắc đáng nhớ và chia sẻ kết nối.

[Tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực Thủ đô]

Trong mục hoạt động hằng ngày, phụ huynh, học sinh sẽ dễ dàng thấy được các công việc, nhiệm vụ mà học sinh cần thực hiện với sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên. Nhiệm vụ, công việc của học sinh được giáo viên cập nhật theo ngày, theo tuần trên ứng dụng.

Mục khoảnh khắc đáng nhớ được xây dựng để giáo viên có thể chủ động tạo ra các album, trong đó cập nhật các hoạt động hằng ngày, các phong trào thi đua qua hệ thống video và hình ảnh. Phụ huynh sẽ biết được những hoạt động ở trường của con em mình trong mục này.

Cô giáo tiểu học và sáng kiến ứng dụng “Sổ tay đến trường” ảnh 2Điều cô Hiền tâm đắc nhất trong ứng dụng là việc giúp ích rất nhiều cho quá trình dạy học theo định hướng cá thể hóa, nhất là với các em học sinh hòa nhập. Cô giáo lựa chọn tính năng giao nhiệm vụ riêng cho từng học sinh trong ứng dụng sổ tay đến trường, giúp các em không cảm thấy mình bị phân biệt hay bị bỏ rơi so với các bạn cùng lớp. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đặc biệt nhất trong ứng dụng “Sổ tay đến trường” là mục chia sẻ kết nối. Những tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh sẽ được giáo viên và nhà trường giải đáp kịp thời, lại còn đảm bảo bí mật và tính riêng tư. Việc này nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của các phụ huynh, nhất là các phụ huynh có con học hòa nhập.

Cô Trương Thị Hiền chia sẻ ý tưởng xây dựng ứng dụng “Sổ tay đến trường” xuất phát từ thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Mọi liên hệ giữa giáo viên và học sinh đều thông qua màn hình máy tính.

Thêm vào đó là xu thế số hóa giáo dục trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần có những ứng dụng, phần mềm có sự tương tác cao nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh.

“Thực tế, hiện nay, nhiều gia đình không có nhiều thời gian và điều kiện để kiểm soát việc học của con. Trong khi đó thời gian con ở trường chiếm phần lớn nên các phụ huynh rất cần có hình thức nào đó kết nối thường xuyên với nhà trường, giáo viên. Điều này càng cần thiết đối với phụ huynh của những học sinh tham gia học hòa nhập,” cô Hiền tâm sự.

Được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Định, cô Hiền phối hợp với đội ngũ giáo viên tin học của nhà trường triển khai thiết kế giao diện, cụ thể hóa những ý tưởng ban đầu.

Khi ứng dụng ra đời, lớp 1A9 của cô được triển khai đầu tiên và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh. Đến đầu năm học 2022-2023, Nhà trường triển khai thêm mỗi khối 2 lớp và học kỳ 2 tới đây, toàn bộ các lớp học trong nhà trường sẽ sử dụng ứng dụng “Sổ tay đến trường.”

Ứng dụng nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và đã giải tỏa nỗi băn khoăn cho phụ huynh về việc quyết định không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Qua ứng dụng, phụ huynh được theo dõi bảng đánh giá học sinh qua từng giai đoạn và yên tâm khi thấy con có thể đáp ứng yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng, không nhất thiết phải đi học trước.

Điều cô Hiền tâm đắc nhất trong ứng dụng là việc giúp ích rất nhiều cho quá trình dạy học theo định hướng cá thể hóa, nhất là với các em học sinh hòa nhập. Cô giáo lựa chọn tính năng giao nhiệm vụ riêng cho từng học sinh trong ứng dụng sổ tay đến trường. Điều này giúp các em không cảm thấy mình bị phân biệt hay bị bỏ rơi so với các bạn cùng lớp.

Lớp 1A9 có 1 học sinh học hòa nhập. Em gặp khó khăn trong việc giao tiếp nhưng có nhiều điểm mạnh khác như có thể ghi nhớ và tái hiện lại sự việc dưới dạng hình ảnh khá tốt.

Nhờ có ứng dụng, cô đã có phương pháp giáo dục phù hợp, giúp em tiến bộ rất nhiều trong việc học tập ở trường. Thay vì giao nhiệm vụ tập kể và diễn lại câu chuyện cho người thân nghe giống như học sinh cả lớp, cô Hiền đã giao cho em tập kể lại bằng lời hoặc tái hiện lại nội dung câu chuyện bằng tranh vẽ.

Nhiệm vụ này chỉ xuất hiện trên đúng tài khoản của em để em không cảm thấy mình khác biệt so với các bạn trong lớp và em đã làm bài rất tốt.

“Khi mới triển khai ứng dụng, chỉ có khoảng 1/3 số phụ huynh trong lớp sử dụng. Qua thời gian, nhận thấy tính hữu ích của ứng dụng, đến nay, gần như 100% phụ huynh trong lớp tôi đều truy cập thường xuyên và coi ứng dụng là một phần không thể thiếu khi con mình đến trường,” cô Trương Thị Hiền tâm sự.

Đánh giá về ứng dụng “Sổ tay đến trường,” Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Định Trần Thị Bích Liên cho biết qua một thời gian triển khai, ứng dụng đã đem lại hiệu quả tốt, hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhà trường đã tích hợp ứng dụng trên website của nhà trường và sẽ có kế hoạch triển khai đến tất cả các lớp.

“Sự sáng tạo của cô Hiền đã thể hiện rõ về một giáo viên đầy tâm huyết, luôn đau đáu cho sự nghiệp giáo dục. Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Định luôn tạo điều kiện và ủng hộ hết mình cho các sáng kiến hữu ích của giáo viên, nhân viên,” cô Trần Thị Bích Liên chia sẻ.

“Ý tưởng sáng tạo của cô giáo Trương Thị Hiền thiết thực, gắn với nhu cầu cấp thiết hiện nay, đó là sự kết nối giữa nhà trường và gia đình trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Ứng dụng của cô Hiền tương tác nhiều chiều chứ không chỉ một chiều như sổ liên lạc điện tử mà các trường đang sử dụng hiện nay. Đây là ý tưởng rất hay và cần nhân rộng,” Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa nhận xét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục