Cô giáo người Mông “phù phép” rơm rạ thành búp bê

Thương học trò nghèo không có đồ chơi, cô Ghếnh lấy rơm, rạ, râu ngô,thanh tre thanh nứa và biến chúng thành những búp bê xinh xắn.

Thương những học trò nghèo của mình không có đồ chơi, cô giáo mầm non Vàng Thị Ghếnh đã lên nương lấy về nào rơm, rạ, râu ngô, lõi ngô, thanh tre thanh nứa và biến chúng thành những búp bê xinh xắn bằng chính đôi bàn tay khéo léo và tình yêu con trẻ vô bờ bến của mình.

Từ những thứ tưởng như là rác bỏ đi, cô giáo trẻ người Mông đã đặt vào đó cả tâm hồn mình để thổi bùng lên trong trái tim trẻ thơ những niềm vui, những khát khao, những trí tưởng tượng bay bổng đến miền cổ tích với những cô Tấm, nàng tiên.

Thương trò như con

Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao nghèo khó, bản thân là người dân tộc thiểu số nên hơn ai hết, cô Vàng Thị Ghếnh, giáo viên trường Mầm non Mán Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, hiểu được những khó khăn thiếu thốn của những đứa trẻ nơi đây.

Si Ma Cai là một trong những huyện nghèo nhất, xa xôi nhất của Lào Cai và cũng là của cả đất nước Việt Nam. Nơi ấy, đồng bào dân tộc thiểu số lo cái ăn còn chưa đủ chứ không nói tới chuyện đến trường học chữ. Cho con đi học bậc mầm non lại càng là điều xa vời hơn nữa. Nơi ấy, con cái sinh ra năm nào, bao nhiêu tuổi có khi nhiều người còn không nhớ rõ. Ngay như Ghếnh, cô sinh năm 1985, nhưng trên giấy khai sinh lại là năm 1988.

Vì thế, để vận động đồng bào cho con đi học mầm non thật sự là một thách thức lớn với Ghếnh. Ghếnh vẫn nhớ như in những ngày đầu mới bước chân vào nghề cách đây 7 năm, cô phải đi bộ vượt qua đèo, qua núi đến từng bản làng, từng gia đình học sinh để làm công tác tư tưởng.

Cô phân tích cho họ hiểu là đi học thì con có tương lai tươi sáng hơn, ở lớp con được các cô giáo chăm sóc cho từng miếng ăn, giấc ngủ. Nhiều gia đình vẫn từ chối, Ghếnh lại phải nhờ đến các trưởng thôn trưởng bản, chính quyền xã, có khi phải dự cả buổi họp thôn đến tận khuya để giảng giải cho bà con.

Khó khăn lắm mới có được cái gật đầu của gia đình để cho con họ đến trường, nhưng người dân nơi đây còn phải lo cái ăn, phải lên nương. Ai sẽ đưa các cháu đi học khi phải trèo đèo, lội suối, băng rừng?

Thế là cô Ghếnh lại phải đến từng nhà để đón. Cô dạy sớm từ khi trời còn chưa sáng, đi từng thôn bản. Khổ nhất là những ngày mưa rét, tay dắt bé lớn, lưng cõng bé nhỏ, cô trò đội mưa đội gió mà đi.

Ghếnh bảo, tuy vất vả nhưng cô vẫn thấy vui vì tận trong trái tim mình, cô yêu các cháu như con. Đến bây giờ, học sinh đã vào nề nếp hơn, nhưng cô vẫn phải đến nhà vận động học sinh mỗi khi thấy các em bỏ học.

Cô Ghếnh vinh dự bắt tay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Thắp niềm vui cho trò từ lấm lem bùn đất

Tất cả những khó khăn ấy với Ghếnh chẳng hề gì. Cô xúc động nói: “Học trò miền núi chịu rất nhiều thiệt thòi. Điều tôi thấy thương nhất, trăn trở nhất là các cháu còn nhỏ, thích có nhiều đồ chơi nhưng ở trường cũng không đáp ứng nổi nhu cầu chứ không nói đến ở nhà.

Và đề bù đắp cho những thiếu thốn ấy của các em, Ghếnh lên nương lên rẫy, khuân về nào rơm, nào rạ, nào lõi ngô, râu ngô, thanh tre, lạt nứa… Tất cả những thứ tưởng như bỏ đi ấy, dưới bàn tay của Ghếnh đã thành món quà bất ngờ cho lũ trẻ.

Cô bện rơm, rạ thành hình búp bê. Râu ngô làm tóc, buộc thành hai bím, điểm thêm đôi mắt, tô thêm cái miệng, thế là có một em búp bê rất xinh cho học trò. Những thanh tre, khúc gỗ biến thành ô tô, tàu hỏa…

“Các cháu thích lắm. Những món đồ chơi đã giúp cho môi trường lớp học được thay đổi theo từng chủ điểm, thu hút học sinh và vì thế các em yêu thích đến trường hơn,” cô Ghếnh cười tươi nói, niềm vui dâng lên trong mắt.

Nhưng vì làm thủ công bằng các vật liệu đơn giản nên những đồ chơi ấy cũng dễ hỏng. Cô Ghếnh luôn phải nhắc nhở các cháu giữ đồ cẩn thận.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tặng hoa chúc mừng cô Ghếnh. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Vượt lên hoàn cảnh

Vàng Thị Ghếnh là một điển hình của người giáo viên mầm non yêu nghề, mến trẻ, luôn tận tâm và nỗ lực hết mình để đổi mới phương pháp giảng dạy, duy trì sĩ số. Cô được nhắc đến như một gương người tốt việc tốt của tỉnh Lào Cai, là một trong những gương mặt trẻ nhất cả nước được vinh danh trong Lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội.

Những nỗ lực ấy của cô giáo trẻ người Mông nơi vùng đất Si Ma Cai xa xôi của tỉnh Lào Cai càng đáng khâm phục và trân trọng hơn nữa khi cô phải vượt qua hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Ghếnh đã lập gia đình và có hai người con. Con lớn của cô 7 tuổi, bị hở hàm ếch, đã phải phẫu thuật một lần và sẽ còn phải phẫu thuật tiếp. Con bé 4 tuổi, bị liệt não bẩm sinh. Là một giáo viên mầm non, Ghếnh bận tối ngày, đi sớm, về muộn, chồng cô phải vừa chăm lo cho các con, vừa lo nương rẫy.

Những khi không phải lên lớp, cô lại cùng chồng trồng cấy, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống gia đình. Chia sẻ thành thật, cô Ghếnh cho biết hiện mức lương của mình khoảng 5 triệu đồng, nhưng số tiền ấy cô cũng phải chi tiêu tằn tiện mới đủ lo cho cuộc sống gia đình.

Hoàn cảnh bản thân khó khăn, nhưng Ghếnh bảo, cô cứ nhìn học trò là thương không cầm lòng được vì các em rất nghèo, thiếu thốn đủ bề. Đặc biệtlà những ngày đông giá rét, cô phải mặc hai, ba áo mới đủ ấm nhưng học sinh đến lớp chỉ có bộ quần áo cộc mỏng manh. Những em bé chỉ bốn, năm tuổi phải một mình vượt quãng đường khoảng 3 km để đến lớp. Có những em đã đi được nửa đường, nhưng rét quá, không chịu nổi, lại đành phải quay về

“Nhìn các cháu mà rơi nước mắt. Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi. Tôi đã khó khăn rồi nhưng thấy các cháu còn khổ hơn nhiều. Tôi chỉ mong các cháu được sự quan tâm hơn của bố mẹ và toàn xã hội, đi học đều và có tương lai tươi sáng hơn,” cô Ghếnh nghẹn ngào nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục