Công tác ở vùng thuận lợi tới 9 năm, công việc thuận lợi vì gần nhà, nhưng một ngày nghe tin bản Phú Lâm thiếu giáo viên, cô Lê Thị Thắm (hiện là giáo viên Trường Mầm non Phú Gia, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã viết đơn tình nguyện xin đi cắm bản.
“Nhiều người bảo tôi ngược đời, người ta từ vùng khó xin về vùng xuôi, còn mình lại từ vùng xuôi xin đi vùng khó. Nhưng trong mỗi chúng ta, ai cũng có ước mơ, hoài bão, lý tưởng của riêng mình. Và, tôi cũng như vậy,” cô Thắm chia sẻ về quyết định “ngược dòng” so với số đông.
Với cô Thắm, Phú Lâm không chỉ là một bản nghèo miền núi khó khăn mà còn là nơi cô chôn nhau cắt rốn. Phú Lâm với cô là khát khao cháy bỏng được góp sức mình mang cuộc sống mới tốt đẹp hơn đến cho các em nhỏ mảnh đất nghèo sơn cước.
Mỗi ngày “lội” 20km đường đèo
“Hôm nay trời lại mưa to quá! Con sợ mẹ đi lại ướt hết như hôm trước.” Đó là câu nói của con trai Thắm suốt cả mùa mưa. Câu nói ấy có lẽ nó cũng gói gọn phần nào về sự vất vả của cô khi mỗi ngày “lội” hơn 20km đường đèo đến với học sinh.
Luôn luôn phải rời khỏi nhà từ tờ mờ sáng, có hôm trời mưa to quá, đường trơn và dốc, hay những ngày gió Lào lớn quá, đá chèn, cây đổ..., Thắm chỉ muốn bỏ lại xe bên đường để men theo suối mà đi.
“Có những lần, vì quá mệt mỏi, tôi đã khóc. Nhưng có lẽ ở giây phút hiện tại tôi vẫn chưa từng hối hận về lựa chọn của mình - một cô giáo vùng cao cắm bản,” cô Thắm chia sẻ.
Công tác tại miền xuôi đã 9 năm ở Trường Mầm non Gia Phố, đã lập gia đình và có hai con nhỏ, công việc gần nhà, có thời gian chăm sóc con, nhưng khi nhận được thông tin về chương trình giáo viên tình nguyện và bản Phú Lâm đang thiếu giáo viên, cô Thắm đã quyết định viết đơn đăng ký.
[Những thầy cô dành cả thanh xuân gieo chữ trên đỉnh Hò Lù]
“Chồng tôi là người đã luôn ủng hộ và động viên tôi. Anh cũng hứa sẽ là người chăm sóc gia đình khi tôi đi sớm về muộn hay gặp khó khăn trong công việc. Hàng ngày, anh phải thay tôi đưa con đi học vì tôi đi làm từ rất sớm,” cô Thắm kể.
Anh ủng hộ vợ, vì hơn ai hết, anh hiểu Phú Lâm với Thắm không chỉ là một bản miền núi nghèo khó xa xôi, Phú Lâm còn chính là nới Thắm đã sinh ra và lớn lên, khi bố mẹ cô từ nơi khác đến đây lập nghiệp.
Cả tuổi thơ của Thắm gắn liền với sự khó khăn ở nơi này, với những cung đường đèo, ăn ngô sắn, uống nước suối, bỏ bữa, thất học vì những ngày nước quá lớn, thuyền không thể qua sông. Nhưng Phú Lâm còn có cả sự mộc mạc, chân chất, hiền lành của những người dân bản. “Bố tôi dặn chúng tôi trở về quê hương giúp đỡ dân làng,” cô Thắm chia sẻ.
Chăm trẻ bằng tấm lòng người mẹ
Trở về dạy học ở Phú Lâm, điều trăn trở nhất với cô Thắm không phải là cung đường 20 cây số trèo đèo, lội suối mỗi ngày, mà là những khó khăn, thiếu thốn của các em nhỏ nơi đây.
Trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, đồ dùng học tập thiếu thốn. Học sinh đói ăn, thiếu mặc, gầy còm ốm yếu. Thương các em, cô lại cố gắng dậy sớm hơn mỗi sáng để đi chợ mua đồ mang về nấu ăn cho học trò. Cô trò tự làm đồ chơi để trẻ có thêm dụng cụ học tập. Cô tổ chức cả các buổi ngoại khóa để tạo hứng thú cho học sinh. Cô cũng cùng đồng nghiệp đến tận nhà thuyết phục, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường.
“Chúng tôi thân quen đến nỗi biết và hiểu hết tất cả các hoàn cảnh của mỗi bé. Các em nghèo lắm, ăn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm. Bố mẹ các em quanh năm với nương rẫy, ruộng đồng nên các em thật sự rất thiệt thòi. Có nhiều hoàn cảnh tôi thương đến đau lòng. Có lẽ vì thế tôi cũng dần quên đi những khó khăn của bản thân mình,” cô Thắm xúc động kể.
Với sự tận tình của cô và các đồng nghiệp, trẻ được chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, nên các em đều yêu thích đến trường, phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con. Số trẻ ra lớp vì thế cũng nhiều và đều hơn.
“Dù vẫn còn nhiều vất vả và thiếu thốn, nhưng đây là con đường tôi đã chọn và cũng là con đường mà tôi vẫn sẽ chọn. Tôi vẫn tự dặn mình sẽ giúp đỡ các em bằng tình yêu thật sự. Tôi cũng mong các em sẽ được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa để có điều kiện học tập thật tốt, để tôi được nhìn thấy các em bay xa và trưởng thành,” cô Thắm nói./.