Trong căn phòng nhỏ rộng chừng hơn 20m2, những đứa trẻ cùng cất giọng đọc ê a từng dòng kinh Phật. Những đôi mắt háo hức nhìn theo cây thước gỗ của cô giáo, khó khăn nắn chỉnh khuôn miệng sao cho âm phát ra được tròn, rõ, đọc cho kịp các bạn.
Ánh mắt động viên, khích lệ và nụ cười hiền hậu trên gương mặt của cô giáo càng khiến các em lớn, nhỏ đủ tuổi đua nhau đọc to hơn để được cô khen.
Những đứa trẻ khuyết tật kém may mắn ấy đang theo học tại lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa (46 tuổi, tại chùa Hương Lan, thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Từ nơi này, nhiều đứa trẻ đã biết đọc, biết viết, biết ca hát, biết vâng lời và nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt khi chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của con mình.
"Bố mẹ tôi đều là trẻ mồ côi, mẹ tôi không biết chữ nhưng cả hai đã vất vả nuôi dạy chị em tôi trưởng thành, được học hành đầy đủ. Nhiều lần, bố tôi tâm sự, chỉ mong chúng tôi làm được điều gì có ích cho xã hội, nhất là với những người yếu thế, thiệt thòi," cô Lê Thị Hòa bắt đầu câu chuyện của mình như thế.
Đưa ánh mắt trìu mến về phía những gương mặt ngây ngô, những bàn tay, bàn chân không lành lặn, cô Hòa nói tiếp: "12 năm rồi, tôi gắn bó với các con. Có những con bệnh rất nặng về trí tuệ, cũng có con bị khuyết tật vận động, không thể hòa nhập ở trường. Với mỗi con, tôi đều có cách tiếp cận riêng."
Cô Lê Thị Hòa hiện là giáo viên dạy lớp 2, Trường Tiểu học Đông Sơn (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ). Cô còn là Tổng phụ trách Đội của nhà trường. Ở vai trò nào, cô cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2002 đến năm 2007, cô Hòa mở lớp dạy cho trẻ khuyết tật không có khả năng đến trường tại nhà mình ở thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn. Khi đó, lớp học có 14 trẻ theo học. Dần dần, người dân trong vùng có con bị khuyết tật tìm đến, đưa con theo học ngày càng đông.
Một lần đi lễ chùa Hương Lan (xã Đông Sơn), cô Hòa ngỏ ý xin mượn nhà khách của chùa để dạy học cho các con đỡ chật chội. May mắn thay, sư thầy trụ trì Thích Đàm Tiền hiểu được tấm lòng từ bi và nhiệt huyết của cô nên đã nhất trí, đồng thuận.
Tháng 9/2007, những trẻ khuyết tật và học sinh kém của Trường Tiểu học Đông Sơn đã có một lớp học rộng hơn, yên tĩnh hơn.
Qua một năm học, 28 cháu học kém đã đọc thông, viết thạo, các em khuyết tật cũng tiến bộ về học thức lẫn hiểu biết những kỹ năng mềm. Tiếng lành đồn xa, số học sinh trong lớp dần nâng lên đến 32 học sinh của 9 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
"Có những lúc tưởng chừng như không thể duy trì được lớp học vì nhiều phụ huynh không giữ được sự bền bỉ, sinh ra nản. Các con lại hay đau ốm, thường xuyên phải đi bệnh viện. Sách vở cũng thiếu, đồ dùng học tập không có, cô trò nhìn nhau rớt nước mắt. Chính sự giúp đỡ của các phật tử, sinh viên tình nguyện, đặc biệt là sự động viên hàng ngày, thường xuyên của sư thầy Thích Đàm Tiền đã là nguồn động lực mạnh mẽ, thôi thúc tôi giữ lớp," cô Hòa tâm sự.
[Bí quyết 'rủ' học trò đến lớp của cô giáo Chamaléa Thị Khuyên]
Câu chuyện bị ngắt quãng bởi sự có mặt của cậu bé Nguyễn Ngọc Khánh. Khánh chạy từ ngoài cửa vào, nhảy lên lòng cô Hòa. Hai tay em vòng qua cổ cô, nghiêng đầu dựa vào vai cô. Khánh 12 tuổi nhưng thân hình chỉ như cháu bé 3 tuổi. Em không nói được, mọi nhu cầu em thể hiện qua ánh mắt và những tiếng ú ớ vô nghĩa, vậy mà cô Hòa hiểu em muốn gì, cần gì.
Mẹ của Khánh, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ kể lại trong nước mắt: "Hồi con còn bé, tôi nghe người ta kể về lớp học của cô Hòa liền tìm đến xin học cho con nhưng khi đó con chưa đủ tuổi đi học. Quãng thời gian chờ đợi ấy thật dài. Với tình trạng bệnh của con, tôi không dám mong con có thể biết đọc, biết viết mà chỉ hy vọng con có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với các cháu có hoàn cảnh tương tự để cháu vui hơn, gia đình cũng lạc quan hơn."
Đến nay, lớp học của cô Hòa đã có 63 học sinh ở các huyện lân cận, theo học vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần. Một số giáo viên nghỉ hưu cũng đến tham gia giúp cô Hòa trong các buổi học.
Nhiều học sinh nhà ở xa cũng đăng ký theo học như, em Nguyễn Thùy Dung ở huyện Đan Phượng, nhà cách lớp học 23km, được bố mẹ đưa đến lớp và hiện nay đã đọc thông viết thạo. Hay em Đỗ Văn Tuấn ở huyện Mỹ Đức, nhà cách lớp học 20km nhưng chưa nghỉ buổi học nào, luôn đến lớp với tâm trạng vui vẻ.
Ngoài ra, còn nhiều em không thể tự đi lại được, bố mẹ đưa đến lớp bằng xe lăn như em Hoàng Thị Hà, 26 tuổi, nhà cách lớp học 7km, em Đỗ Thị Tư, 24 tuổi, nhà cách lớp học 5 km.
Nhiều em ở nhà, bố mẹ rất khó bảo nhưng với sự tận tình, nhiệt huyết của cô, các con tin tưởng nên việc học tập tiến bộ rõ rệt. Có em đã đi làm, với mức lương là gần 3 triệu đồng/tháng.
Cô Hòa chợt trầm ngâm, giọng chùng xuống tâm sự có nhiều người hỏi cô lấy đâu ra sức lực và thời gian để vừa hoàn thành công việc ở trường, vừa dạy các con vào 2 ngày cuối tuần, lại còn chăm sóc gia đình mình. Nhiều người còn cho rằng cô không bình thường. Rồi ngay trong gia đình cô cũng có lời ra tiếng vào. Những lúc ấy, cô chỉ nghĩ rằng mình cần giữ cho mình một chữ "nhẫn." Còn ai đó nghi ngại, thời gian sẽ cho họ câu trả lời.
Cái chữ "nhẫn" mà cô Hòa nói đến đã mang lại niềm vui mà chúng tôi cảm nhận rõ trong từng ánh mắt, nụ cười của con trẻ, của những bậc phụ huynh hằng tuần đưa con đến lớp.
Không chỉ tham gia giảng dạy ở lớp học tình thương, cô Lê Thị Hòa còn tổ chức các hoạt động từ thiện như xây nhà tình nghĩa, quyên góp, động viên giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập... Quá trình công tác và những việc làm của cô đã được địa phương, các đoàn thể, thành phố Hà Nội ghi nhận, vinh danh qua nhiều năm.
Cô Hòa vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2019.
"Những việc tôi làm thật sự nhỏ bé, không mong chờ sự đền đáp của bất kỳ ai. Chỉ cần nhìn thấy sự tiến bộ của các con hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, như vậy là đủ. Những tiến bộ ở trẻ khuyết tật thật sự rất đáng quý, đó là sự mong chờ, khao khát đến cháy bỏng của các gia đình thiếu may mắn. Tôi tin, đó cũng là sự mong chờ của toàn xã hội trước những mảnh đời éo le, thiệt thòi," cô Lê Thị Hòa chia sẻ khi chia tay với chúng tôi./.