Năm 1969, bà Phạm Thị Hải Ấm rời Hà Nội, tình nguyện xông pha vào chiến trường miền Nam khói lửa giữa lúc mái đầu còn xanh. Vì nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cán bộ đi B phải giấu danh tính, cắt đứt mọi liên lạc ở miền Bắc. Những người thân trong gia đình thường tránh nhắc đến tên bà để vơi bớt nỗi nhớ thương.
Bởi vậy, kỷ niệm ngắm pháo hoa trong ngày Quốc khánh đầu tiên đất nước thống nhất năm 1975 đã trở thành một ấn tượng không thể phai mờ đối với bà Phạm Thị Hải Ấm.
Vượt Trường Sơn bằng ý chí
Nhiệm vụ đi B bắt đầu vào năm 1959. Hàng trăm đoàn cán bộ miền Bắc với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Bối cảnh chính trị lúc đó bắt buộc họ phải thay đổi danh tính, cắt đứt liên lạc với gia đình, gửi toàn bộ giấy tờ, tư trang tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ.
Mới 21 tuổi, vừa rời ghế giảng đường, cô giáo Phạm Thị Hải Ấm là thành viên trẻ nhất đoàn giáo viên tình nguyện đi B ngày 5/3/1969.
“Trước khi đi, chúng tôi chỉ biết mình vào miền Nam mở trường cho con em đồng bào trong đó. Chia tay bố mẹ, anh em là không hẹn ngày về nhưng quyết tâm là quyết tâm,” bà Ấm nhớ lại.
Gần 6 tháng vượt rừng, họ trải qua biết bao khó khăn gian khổ. Nhiều người không thể đến được miền Nam vì bị sốt rét rừng, bị địch bắt...
“Vượt Trường Sơn, các anh khổ một thì chị em khổ gấp mười lần. Đi bộ lâu ngày chân ai cũng sưng tấy. Gian nan nhất là những ngày ‘đèn đỏ’ của chị em, chúng tôi phải đi cuối cùng để che cho nhau, vừa đi vừa mong ngóng đến trạm nghỉ,” bà Ấm kể.
[Trao bản sao hồ sơ cá nhân cho các cán bộ đi B giai đoạn 1959-1975]
Họ đã vượt Trường Sơn không phải bằng sức lực mà bằng ý chí của những người thầy. Những thầy cô giáo từ miền Bắc đã mở lớp, dạy học trò dưới tán cây, trong hầm bí mật, khi địch càn… cũng chỉ vì một niềm mong mỏi là giáo dục sẽ góp phần hồi sinh đất nước.
Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng bà Ấm vẫn không thể hình dung hết được những khó khăn gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở miền Nam. Những ngày địch đi càn quét, bà trốn vào rừng, núp dưới những tán lá dừa nước, tối lại về làng để dạy và vận động học sinh đến lớp.
Lớp học thời chiến thiếu thốn đủ thứ, lại phải rất linh hoạt để trốn tránh sự lùng sục của quân địch.
Có lần, địch tấn công căn cứ. Các cô giáo chạy thục mạng vào rừng. Bà Ấm và một người đồng đội trốn trong bụi rậm. Mặc cho da thịt bị gai cào tứa máu, họ bình tĩnh bàn nhau nếu bị địch bắt thì khai là không biết chữ, di cư từ miền Bắc vào đi làm thuê.
Gian khổ như vậy nhưng họ vẫn kiên cường làm nhiệm vụ. Họ chỉ chết lặng đi khi nghe tin dữ Bác Hồ đã đi xa.
“Cả nước chìm trong nước mắt khóc thương Bác, chúng tôi cũng lặng lẽ kết những vòng hoa trắng tỉa từ quả đu đủ xanh. Ở nơi xa xôi, chúng tôi càng thắt lòng bởi nỗi lo Bác mất thì bao giờ mới thống nhất đất nước, bao giờ chúng tôi mới được về với gia đình,” bà Ấm rưng rưng.
Dù rất đau lòng song ai nấy tự hứa với Bác rằng sẽ càng cố gắng hơn nữa để sớm được nhìn thấy đất nước độc lập như mong mỏi của Bác.
Bà Ấm tiếp tục nhiệm vụ ở miền Tây Nam Bộ và nên duyên với chiến sỹ công an Ngô Văn Quý. Họ có con gái đầu lòng năm 1972.
Tháng Năm, năm 1974, một sự cố bất ngờ xảy ra tạo nên một khúc rẽ trong cuộc đời bà. Một quả đạn nổ cách bà Ấm chỉ khoảng hơn một mét. Những mảnh kim loại găm vào nhiều chỗ trên cơ thể. Bà bị thương nặng hai đầu gối, phải nằm bất động gần một tháng.
Sau đó, bà được chuyển ra Bắc điều trị tiếp, mang theo con gái, còn ông Quý vẫn ở lại làm nhiệm vụ. Bà về đến Hà Nội vào cuối tháng Ba năm 1975.
Pháo hoa Tết độc lập
Khó có thể diễn tả được niềm hạnh phúc của bà Ấm khi được gặp lại những người thân trong gia đình.
“Bao năm xa nhà, các em tôi không dám nhắc đến tôi một lần nào vì sợ thầy mẹ buồn. Nay gặp lại, thầy mẹ tôi vẫn khỏe. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi mà ôm lấy nhau,” bà xúc động nói.
Quốc khánh đầu tiên khi đất nước thống nhất, bà Ấm cùng người nhà ra Công viên Thống nhất xem pháo hoa. Đó là khoảnh khắc huy hoàng, rực rỡ nhất trong cuộc đời bà. Tiếng pháo hoa nổ khiến trái tim bà thổn thức. Bỗng chốc, tiếng nổ bom đạn, tiếng học trò ê a, chất giọng người miền Nam trầm ấm... hòa cùng tiếng pháo hoa cứ vang dội trong tâm trí bà.
“Cảm giác lúc đó thật khó diễn tả bằng lời. Tôi hạnh phúc vì đất nước nay đã độc lập, tự do, chiến tranh ác liệt đã qua rồi, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn vì chồng tôi lúc đó vẫn còn ở trong Nam. Một năm sau chúng tôi mới được đoàn tụ. Đó là khoảnh khắc tôi thấm thía niềm hạnh phúc khi được sống trong hòa bình,” bà nói.
Sau cuộc chiến, bà đã chiêm nghiệm, suy ngẫm về những được mất, thăng trầm và rút ra được hai bài học lớn. Thứ nhất là sức mạnh của tình người, tình bạn, tình yêu, tình đồng đội, đồng chí. Thứ hai là phải biết vượt lên chính mình, vượt qua mọi hoàn cảnh dù ác liệt và khó khăn đến mấy.
Khi trở về, bà được trao trả hồ sơ cá nhân. Toàn bộ những kỷ vật đi B được bà trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hà Nội) để phục vụ công tác lưu trữ tư liệu lịch sử.
Khi cùng bà xem lại những bức ảnh cũ, lật lại những trang hồ sơ cá nhân, tôi thấy mắt bà rưng rưng mỗi khi nhớ lại những gian khổ ở chiến trường hay bắt gặp gương mặt người đồng đội nay không còn nữa.
“Dẫu những mảnh đạn vẫn còn ghim vào cơ thể, song tôi vẫn may mắn và hạnh phúc hơn những người đồng đội của mình bởi tôi còn sống trở về và được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục. Mong rằng thông qua những kỷ vật của mình, câu chuyện về chiến tranh, về tình người sẽ còn được kể mãi cho thế hệ sau,” bà tâm sự./.