Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn

Bước chân đến cao nguyên đá Đồng Văn công tác năm 2001, khi mới 18 tuổi, 20 năm trong nghề với những nhọc nhằn, vất vả cũng là chừng ấy thời gian cô Nhâm bám trụ ở cao nguyên đá để “cõng chữ lên non”.
Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 1Cô Nguyễn Thị Minh Nhâm chụp ảnh cùng các học sinh. (Ảnh: NVCC)

18 tuổi, cô gái quê ở Tuyên Quang Nguyễn Thị Minh Nhâm một mình lên Đồng Văn (Hà Giang) nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Tiểu học Lũng Cú, ngôi trường nơi địa đầu Tổ quốc.

Khi chiếc xe máy dừng ở sân trường sau hai tiếng trèo đèo lội suối, Nhâm “sốc” khi biết cả trường chưa từng có biên chế giáo viên nữ, chỉ có 13 giáo viên nam đang lúi húi chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp để đón Nhâm và hai đồng nghiệp nữa, những giáo viên nữ đầu tiên đặt chân đến ngôi trường nơi cột mốc biên cương.

Nhâm càng choáng váng hơn khi tất cả học sinh của trường đều không biết nói tiếng phổ thông. Nhâm nói gì các em học sinh tiểu học cũng lắc đầu cười: “Chi pâu” (không biết - tiếng địa phương), còn học sinh mầm non thì chỉ trả lời đúng một từ “nhớ” cho tất cả các câu hỏi. “Con đã ăn chưa?” - “Nhớ”, “Chúng mình học bài nhé? – “Nhớ”, “Cô đi về nhé?” - “Nhớ”…

Nhâm bàng hoàng, gần như sụp đổ. Bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ trong mường tượng của cô giáo trẻ, bao háo hức cho những giờ lên lớp đầu tiên… tất cả đều chỉ là trong sách vở, giấc mơ viển vông xa vời. “Lúc đó, tôi thực sự nản, muốn bỏ cuộc, quay về,” cô Nguyễn Thị Minh Nhâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bồi hồi xúc động khi nhớ về những ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Đồng Văn xa xôi 20 năm trước.

Gửi thanh xuân nơi cao nguyên đá

Những giờ dạy đầu tiên của cô Nhâm ở Trường Tiểu học Lũng Cú cũng là những giờ học đầu tiên của chính cô. Học thích nghi với môi trường sống mới; học thêm ngôn ngữ mới là tiếng địa phương; học cách dạy học mới khi trò không hiểu cô, cô cũng không biết trò nói gì…

Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 2Cung đường đến điểm trường Xà Lủng B, Trường Mầm non Phố Cáo nhỏ hẹp, gập ghềnh, cheo leo bên vách núi (Ảnh: NVCC)

Không chỉ điều kiện dạy và  học, điều kiện sống của các giáo viên như Nhâm khi đó cũng vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Mức lương ít ỏi chỉ vỏn vẹn 441.000 đồng/tháng, nhưng Nhâm cũng không thể tự mình đi nhận ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn vì đường sá quá xa, đi lại không thuận tiện, lại dễ xảy ra rủi ro dọc đường. Vài tháng một lần, hiệu trưởng mới đi lĩnh lương cho tất cả giáo viên. Vì thế, toàn bộ vật dụng nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày, các giáo viên như Nhâm phải ghi sổ nợ ở cửa hàng tạp hóa.

[Cô giáo trẻ 'ủ mưu' kéo học trò từ thích mạng xã hội sang... mê sách]

Năm 2002, Nhâm được phân công dạy tại điểm trường Cẳng Tằng, phụ trách lớp mầm non. Điểm trường ở giữa một khu… mộ của người dân với một lớp mầm non và một lớp ghép 1, 2 nhưng chung một phòng học trình tường đất, được ngăn đôi bằng vách nứa. Lớp mầm non hay hát múa khiến lớp 1, 2 không thể học. Trường quyết định tách lớp 1, 2 riêng, mỗi lớp một phòng và mượn một góc hè nhà dân quây tạm bằng các cây trúc nhỏ cho lớp mầm non.

Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 3Đường đến điểm trường của cô Nhâm những ngày mưa. (Ảnh: NVCC)

Ở đó, cứ buổi sáng, Nhâm kê bàn ghế ra cho học sinh ngồi, buổi tối cô lại kê bàn ghế gọn lại làm chỗ ngủ. Dù đã nhiều năm trôi qua, Nhâm vẫn không thể quên được những đêm Đông lạnh giá mịt mùng, một mình co ro trong lớp học nhỏ tạm bợ bên ánh đèn dầu leo lét, ngoài trời mưa rơi buồn bã và những cơn gió lạnh biên cương lùa qua kẽ phên, khiến cho nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà càng thêm da diết.

Gắn bó với những điểm trường vùng cao, Nhâm phải hy sinh những hạnh phúc riêng khi địa hình đi lại quá khó khăn, điều kiện sống thiếu thốn. Hai vợ chồng cô phải sống cách xa nhau 50 cây số. Ngay cả khi mang thai, Nhâm cũng chỉ một mình thui thủi. Sinh con được 17 tháng, cô nghẹn lòng gửi con về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc, dưỡng nuôi.

“May” áo mới cho trường vùng khó

Chỉ sau 5 năm công tác ở Đồng Văn, năm 2006, Nhâm được tín nhiệm cử làm Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Sảng Tủng và tiếp tục giữ chức Hiệu trưởng trường này năm 2008. Tháng 9/2010, cô tiếp tục được giao trọng trách Hiệu trưởng Trường Mầm non Phố Bảng với mục tiêu xây dựng trường thành chuẩn quốc gia mức độ 1. Sau ba năm với nhiều nỗ lực, cô đã hoàn thành nhiệm vụ được giao khi Trường Mầm non Phố Bảng nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Năm 2015, cô tiếp tục nhận quyết định luân chuyển xuống Trường Mầm non xã Phố Cáo, xã đông thôn bản, đông dân và đông học sinh thứ hai của huyện Đồng Văn với 12 điểm trường lẻ. Những điểm trường vì thế cũng rất xa trung tâm xã. Điểm trường xa nhất như Kho Trư cách đến 14 km, đường đi rất khó khăn, chỉ có thể đi xe máy vào mùa khô. Nhiều điểm giáo viên phải đi bộ đến hai giờ đồng hồ ngược lên những dốc đá cheo leo thẳng đứng. Có điểm trường phải băng qua suối, mùa mưa lũ, giáo viên không thể tiếp cận. Đây cũng là trường khó khăn nhất trong tất cả những trường cô Nhâm từng công tác.

Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 4Các giáo viên mang vật liệu lên xây dựng điểm trường Xà Lủng A, Trường Mầm non Phố Cáo. (Ảnh: NVCC)

Do địa hình phức tạp, hiểm trở, những điểm trường của Phố Cáo cũng nghèo nàn, tạm bợ, thiếu thốn như chính đời sống người dân bản nơi đây. Thương những em nhỏ phải học trong những lớp học bằng ván, những nhà trình tường sập xệ, mùa Hè nắng xiên vào lớp học, mùa Đông gió rét căm căm luồn qua khe lán, cô Nhâm đã kêu gọi các đoàn từ thiện hỗ trợ, kêu gọi người dân, tham mưu lãnh đạo địa phương góp công góp sức chung tay xây dựng từng điểm trường. Lần lượt các điểm trường Xà Lủng A, Xà Lủng B, Lủng Sính, Kho Trư… đã được “thay áo mới” với những lớp học khang trang, phòng học đầy đủ, thoáng mát và sạch sẽ.  

Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 5Điểm trường Xà Lủng A được hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng trong niềm vui của cô trò Trường Mầm non Phố Cáo. (Ảnh: NVCC)

Đến nay xã Phố Cáo đã không còn các điểm trường tạm, bợ, không còn các phòng học ọp ẹp bằng các tấm ván được ghép với nhau để trơ ra các khe hở cho gió lùa khi mùa đông tới. Những học sinh vùng cao của cô cũng được hỗ trợ thêm nhiều quần áo, đồ chơi, đồ dùng học tập mới.  

Bước chân đến cao nguyên đá Đồng Văn công tác năm 2001, khi mới 18 tuổi, 20 năm trong nghề với những nhọc nhằn, vất vả cũng là chừng ấy thời gian cô Nhâm bám trụ ở cao nguyên đá để “cõng chữ Lên non”, những dấu chân của cô Nhâm đã in khắp các bản làng biên viễn để mang ánh sáng tri thức, niềm vui đến cho lớp lớp những học sinh vùng khó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục