Có gì đặc biệt trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Thái 2020?

Tuyên bố Tầm nhìn chung năm 2020 giữa Mỹ và Thái Lan thể hiện nỗ lực liên tục để cập nhật và điều hướng liên minh phù hợp với các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm của cả 2 nước trong bối cảnh đương đại.
Có gì đặc biệt trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Thái 2020? ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha (phải) và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper ký tuyên bố tầm nhìn Mỹ-Thái 2020. (Nguồn: khaosodenglish)

Cuối tuần vừa qua, đúng như dự đoán, Mỹ và Thái Lan đã ký một tuyên bố tầm nhìn chung mới cho mối quan hệ liên minh của họ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ADMM) tại Bangkok.

Sự tiến triển đáng chú ý này nêu bật tình trạng của một trong năm liên minh hiệp ước của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như quỹ đạo tương lai trong mối quan hệ đó có thể hình thành như thế nào trong những năm tới.

Liên minh Mỹ-Thái ban đầu được tạo lập như một phần của Hiệp ước Manila 1954 thuộc Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) hiện không còn tồn tại, và mối quan hệ sau đó được củng cố bằng các bước tiếp theo cũng như những thỏa thuận bao gồm hiệp ước chung Thanat-Rusk ký năm 1962, việc nâng vị trí của Thái Lan như một đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ năm 2003, và Tuyên bố Tầm nhìn chung năm 2012 cho quan hệ Liên minh Quốc phòng Mỹ-Thái Lan.

Vài năm qua đã chứng kiến một giai đoạn tái hiệu chỉnh nữa đối với liên minh, trước hết là sự lạnh nhạt của Mỹ sau cuộc đảo chính ở Thái Lan hồi tháng 5/2014 và sau đó, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, mối quan hệ này trở nên dè dặt hơn khi Bangkok ngày càng có dấu hiệu xích gần lại Trung Quốc.

Một trong những bước đáng chú ý được thực hiện dưới thời chính quyền Trump là việc ký kết tuyên bố về tầm nhìn chung mới Mỹ-Thái Lan.

Tuyên bố về tầm nhìn chung đã được cả hai nước trao đổi và thảo luận trong các cuộc họp trước đây, giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan lúc đó là ông Prawit Wongsuwon bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6/2019 - và các dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ ký thỏa thuận vào tháng 11/2019 bên lề các cuộc họp ADMM mở rộng tại Bangkok.

Đúng như dự đoán, chúng ta đã chứng kiến hai nước ký kết tuyên bố về tầm nhìn chung mới.

Việc ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung 2020 đã diễn ra hôm 17/11 vừa qua tại Bộ Quốc phòng Thái Lan, giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha - người cũng nhận trách nhiệm chỉ đạo lĩnh vực quốc phòng sau cuộc bầu cử được tổ chức đầu năm nay.

[Mỹ: Thái Lan vẫn còn thời gian để đàm phán về vấn đề ưu đãi thuế]

Mặc dù sự phát triển này không quá nổi bật như lời đồn, nhưng điều đó không phải là không có ý nghĩa.

Giống như Tuyên bố Tầm nhìn chung năm 2012 được ký kết dưới thời chính quyền Obama, Tuyên bố Tầm nhìn chung năm 2020 thể hiện nỗ lực liên tục để cập nhật và điều hướng liên minh phù hợp với các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm của cả hai nước trong bối cảnh đương đại.

Và, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Thái Lan nở rộ dưới thời chính quyền Trump, tuyên bố chung đó thể hiện một lợi ích đặc biệt nữa đối với liên minh sau một giai đoạn điều chỉnh từ cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014.

Về phần nội dung, giống như Tuyên bố Tầm nhìn chung được ban hành năm 2012, Tuyên bố Tầm nhìn chung năm 2020 không quá dài vì nó được dùng để đặt ra các lĩnh vực trọng tâm chung cho mối quan hệ hợp tác quốc phòng được cập nhật trong bối cảnh hiện tại.

Có 5 điểm đáng lưu ý về sự hợp tác trong khía cạnh đó: quan hệ đối tác; sự hiện diện lâu dài; hợp tác an ninh bền vững; khả năng lãnh đạo; và cấu trúc an ninh khu vực.

Mặc dù một số ngôn từ trong những điểm này khá giống với ngôn từ được đưa ra hồi năm 2012 (có 4 điểm: quan hệ đối tác; tính ổn định; khả năng tương tác; và xây dựng mối quan hệ, phối hợp, hợp tác), song tuyên bố về tầm nhìn chung lần này nêu bật những điểm mới đối với cả hai bên mà vốn chưa được nêu rõ ràng trước đó, bao gồm cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tính trung tâm của ASEAN, và an ninh bền vững.

Có gì đặc biệt trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ-Thái 2020? ảnh 2Binh sỹ Mỹ và Thái Lan tham gia tập trận chung Hổ Mang Vàng năm 2019. (Ảnh: Sơn Nam/TTXVN)

Để chắc chắn, giống như bất kỳ tài liệu nào cùng loại này, xu hướng của các tuyên bố về tầm nhìn chung thường tập trung vào các lĩnh vực thỏa thuận và cơ hội chung hơn là những khác biệt hoặc thách thức đã xuất hiện trong nhiều năm qua, có thể là các khía cạnh từ sự cam kết quốc phòng của Thái Lan với Trung Quốc, hay cách Washington đã thực thi các khía cạnh của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở như thế nào, hay cách các nước Đông Nam Á nghĩ về trật tự khu vực và cách hình thành nên trật tự đó.

Cũng có những câu hỏi lớn hơn đối với liên minh, chẳng hạn như nền chính trị Thái Lan và cách Thái Lan nhìn nhận cuộc cạnh tranh chiến lược đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quỹ đạo tương lai của chính sách quốc phòng.

Với tất cả những điều đó, tuyên bố về tầm nhìn chung này sẽ phát huy tác dụng như thế nào trong bối cảnh hiện nay cũng như những diễn biến đang diễn ra trong mối quan hệ liên minh sẽ là một lĩnh vực quan trọng cần theo dõi trong những tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục