Có gì bên trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp mở cửa đón khách

Giai đoạn một của bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam 2.500 tỷ đồng đang hoàn thiện, đón các đoàn chuyên gia vào thăm, trước khi mở cửa chính thức vào cuối năm 2024.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bảo tàng hiện đang hoàn tất những công đoạn điều chỉnh cuối cùng, sẵn sàng đón người dân tới tham quan từ tháng 11 và miễn phí toàn bộ vé trong 2 tháng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Kiến trúc tòa nhà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bắt nguồn từ khái niệm "Trời, Đất và Biển," đây là 3 yếu tố tự nhiên hình thành nên quốc gia đồng thời thể hiện cho 3 lực lượng chính của Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Kiến trúc Bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tháp Chiến thắng với chiều cao 45m, đây là con số đại diện cho năm 1945 dân tộc Việt Nam giành độc lập dân tộc. Phần đế tháp có hình ngũ giác đại diện cho 5 giai cấp xã hội chủ nghĩa gồm: Trí thức, nông dân, công nhân, doanh nhân và quân nhân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phần trên cùng của ngọn tháp cắt vát 60 độ, tạo hình ngôi sao 5 cánh trên đỉnh, các ngôi sao được xếp chồng chồng lớp lớp như vươn mãi tới trời xanh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phía trước tòa nhà trung tâm trưng bày những vũ khí, trang bị của Quân đội và nhân dân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một phần xác máy bay B52 bị quân và dân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Các kiến trúc sư đã biến một phần xác máy bay B52 thành biểu tượng khát vọng hòa bình với những cành cây, mầm xanh và cánh chim bồ câu bay lên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc. Đây không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sảnh chính bên trong bảo tàng với các cột mốc lịch sử được khắc hai bên tường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bước vào bên trong bảo tàng, nổi bật với máy bay tiêm kích MiG-21 số hiệu 4324 được treo lên trên cao. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 là bảo vật quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hiện tại, bảo tàng đã hoàn thiện giai đoạn 1, đơn vị đang tiếp thu các ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, chỉnh lý và hoàn thiện phần trưng bày trước khi chính thức mở cửa với công chúng vào ngày 1/11/2024. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ 1/9, bảo tàng đã tổ chức các đoàn tham quan đánh giá với thành phần chủ yếu là các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, bảo tàng học, hội cựu chiến binh, học viên các trường quân đội, sinh viên, học sinh các trường đại học... sau đó, tiếp tục hoàn thiện các nội dung, hạng mục công trình để nghiệm thu, bàn giao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không gian trưng bày máy bay MiG21, số hiệu 5121. Ba phi công sử dụng chiếc MiG này là Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng và Phạm Tuân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843, một trong những chiếc xe tăng đầu tiên húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia và trở thành hiện vật vô cùng quý giá của dân tộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn hạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bảo tàng ứng dụng công nghệ hỗ trợ tạo cảm giác chân thực với người xem như sa bàn mapping, hệ thống màn hình tra cứu, phim tư liệu... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bảo tàng đã xây dựng hơn 60 clip, tư liệu bổ trợ cho từng chiến dịch, từng trận đánh để du khách trải nghiệm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tòa nhà chính sẽ được bố trí thành nhiều khu vực trưng bày với các chủ đề theo không gian và tiến trình lịch sử. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tầng 1 gồm 6 chủ đề từ thời cổ sử, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và ngày nay. Tầng 2 trưng bày 8 chuyên đề; 7 bộ sưu tập vũ khí, trang bị quân sự và hiện vật khác. Tầng 3 gồm các hiện vật từ 12 chuyên ngành quân sự như Không quân, Hải quân, Đặc công, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp, Công binh, Thông tin liên lạc, Hóa học... Tầng 4 là nhà đa năng, không gian trải nghiệm, khu vực ăn uống. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khung cảnh 60 ngày đêm quân và dân Hà Nội bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một phần không gian thu nhỏ của trận địa cọc Bạch Đằng. Năm 938, cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán do Ngô Quyền lãnh đạo giành thắng lợi với trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng, đất nước giành được độc lập, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dự án Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là dự án cấp đặc biệt, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 74ha. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sau 28 tháng triển khai thi công, bảo tàng đã hoàn thiện giai đoạn 1 đồng thời đơn vị đang tiếp thu các ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, chỉnh lý và hoàn thiện phần trưng bày trước khi chính thức mở cửa đón công chúng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Du khách sẽ được tham quan hành trình lịch sử của cha ông ta từ thời trước Công nguyên đến hiện đại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phong cách thiết kế, bố trí hiện đại bên trong bảo tàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những hiện vật được bố trí một cách khoa học và nghệ thuật. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sau khi Bảo tàng khánh thành, đưa vào phục vụ công chúng, chắc chắn đây sẽ là một một điểm đến lý tưởng cho khách tham quan trong nước và quốc tế.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nơi đây được kỳ vọng sẽ giúp công chúng hiểu hơn về nghệ thuật quân sự, đánh giặc giữ nước của cha ông ta từ xưa cho đến thời đại Hồ Chí Minh cũng như trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục