Cô gái Việt Nam "rinh" giải Tài năng Xanh của Đức

Với đề án tinh lọc nhiên liệu sinh học từ các vật liệu phế thải, nghiên cứu sinh Lê Ngọc Liễu đã nhận giải Tài năng Xanh của CHLB Đức.

Ngày 8/11, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) đã tiến hành trao giải cho 25 nhà khoa học trẻ có công trình nghiên cứu xuất sắc về phát triển bền vững.

Nghiên cứu sinh Lê Ngọc Liễu là thí sinh Việt Nam duy nhất và là một trong số 25 nhà khoa học trẻ trên thế giới được vinh danh tại Đức năm nay.

Phát biểu tại lễ vinh danh, ông Wilfried Kraus, Vụ phó Vụ Phát triển bền vững, Khí hậu và Năng lượng thuộc Bộ Giáo dục và Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của những ý tưởng mới trong việc đối phó với những thách thức của thế giới.

Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của Chương trình Tài năng Xanh đối với sự hợp tác khoa học quốc tế trong tương lai.

Đề án tiến sỹ của Lê Ngọc Liễu chú trọng việc tinh lọc nhiên liệu sinh học từ rơm và các vật liệu phế thải. Cô tin rằng năng lượng là giải pháp then chốt nhất liên quan vấn đề dân số toàn cầu đang ngày càng gia tăng và năng lượng tái tạo là con đường tốt nhất cho vấn đề này.

Công trình nghiên cứu của Lê Ngọc Liễu đã tạo ra một giải pháp tái tạo thực sự cho nhu cầu năng lượng của thế giới. Cô khẳng định lợi ích quan trọng nhất của các nguồn năng lượng tái tạo là giảm ô nhiễm môi trường. Các nhiên liệu lỏng, nhiên liệu sinh học vốn được tạo ra từ sinh khối có thể tái tạo, đang ngày càng trở thành nguồn nhiên liệu cho giao thông vận tải trong tương lai.

Ban Giám khảo đã đánh giá cao công trình nghiên cứu của Lê Ngọc Liễu, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học như một nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch cũng như việc cô đã chú trọng phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng để tách lọc và tinh chế vật liệu sinh khối.

Ban Tổ chức cuộc thi Tài năng Xanh của Đức năm 2013 đã đón nhận 430 hồ sơ dự thi từ 80 nước trên thế giới. 25 nhà khoa học được vinh danh sẽ được tới thăm các cơ sở hàng đầu về nghiên cứu bền vững ở Đức, có điều kiện tiếp cận với các công nghệ mới nhất và trao đổi ý tưởng với các chuyên gia hàng đầu của Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục