Cô gái bất ngờ mất thính lực vĩnh viễn vì đeo tai nghe quá nhiều

Cô gái trong vụ việc có tên Wang, là một nhân viên ở Sơn Đông. Mới đây Wang đã đến bệnh viện để khám tai sau, khi thấy rằng khả năng nghe kém đi, và cô đã nhận được kết quả bất ngờ.
Trường hợp của Wang đã thu hút sự quan tâm trên báo chí Trung Quốc. (Nguồn: Oddity Central)

Một cô gái trẻ người Trung Quốc gần đây đã gây chú ý khi phải đeo máy trợ thính, để giải quyết vấn đề mất thính lực do đeo tai nghe đi ngủ mỗi đêm.

Truyền thông Trung Quốc cho biết cô Wang, một phụ nữ trẻ đến từ Sơn Đông, là thư ký ở một công ty địa phương. Mới đây cô Wang đã đến bệnh viện để khám tai sau, khi nhận thấy mình có vấn đề về khả năng nghe.

Wang cho biết cô thường không nghe rõ nếu sếp thì thầm với mình trong các cuộc họp. Cô lo ngại điều này sẽ gây ra vấn đề trong công việc. Một cuộc kiểm tra y tế kỹ lưỡng sau đó cho thấy người phụ nữ này đã bị tổn thương thần kinh thính giác vĩnh viễn ở bên tai trái - nguyên nhân khiến cô gặp khó khăn khi nghe sếp nói.

Khi được hỏi liệu Wang có từng bị chấn thương gần tai, hay tai phải chịu tiếng ồn lớn trong thời gian dài hay không, cô đều lắc đầu. Nhưng cô cho biết mình có thói quen đeo tai nghe để nghe nhạc mỗi tối.

"Thời còn học đại học, tôi đã thích ngủ trong tiếng nhạc. Dần dần, tôi đeo tai nghe khi đi ngủ vào mỗi đêm. Điều này đã trở thành thói quen và tôi đã duy trì thói quen được khoảng hai năm”, cô nói với bác sĩ của mình.

Li Tao, Trưởng khoa Tai mũi họng của bệnh viện mà Wang điều trị ở Sơn Đông, nói trên tờ The Paper rằng việc Wang bị mất thính lực rất có thể là do thói quen nghe nhạc hàng đêm. Mặc dù âm lượng không quá lớn nhưng tai vẫn phải chịu tiếng ồn trong thời gian dài và điều này cuối cùng gây ra tổn thương thính giác vĩnh viễn.

May mắn thay cho cô Wang, chỉ có tai trái của cô bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn liên tục. Ngoài ra, mức độ tổn thương vẫn còn nhẹ nên việc mất chức năng thính giác có thể được bù đắp bằng máy trợ thính.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên có người mất thính lực do đeo tai nghe nhạc quá nhiều. Năm 2019, Khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Đại học Châu Á của Đài Loan (Trung Quốc) cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân là sinh viên đã bị mất thính lực do ngủ quên trong lúc đang đeo tai nghe.

Bác sĩ Tian Huiji, Trưởng Khoa Tai mũi họng, chia sẻ rằng người sinh viên trên có thói quen đeo tai nghe khi ngủ. Đêm trước khi bị điếc đột ngột, anh này đã ngủ mà vẫn đeo tai nghe. May mắn thay, một trong hai chiếc tai nghe đã rơi ra nên tình trạng điếc chỉ ảnh hưởng đến một bên tai. Sau khi nhập viện khoảng 5 ngày, người sinh viên này đã dần phục hồi khả năng nghe.

Bác sĩ Tian đã cảnh báo người dân không nên sử dụng tai nghe nhét tai, hoặc để tai tiếp xúc với âm thanh lớn khi đang ngủ, bởi hậu quả có thể nghiêm trọng hơn người ta tưởng. Ông giải thích rằng dù một số người đeo tai nghe nhiều giờ liên tục gần như mỗi ngày mà không bị điếc đột ngột, nhưng làm điều tương tự lại khá nguy hiểm. Khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, quá trình lưu thông máu trong cơ thể chậm lại. Trong khi đó, các tế bào lông trong tai vẫn bị kích thích bởi âm thanh phát ra từ tai nghe nhét tai và việc cơ thể không thể cung cấp đủ máu cho chúng, có thể dẫn đến tình trạng điếc đột ngột.

Ông cũng chỉ ra rằng tai nghe nhét tai là thiết bị đặc biệt nguy hiểm vì không cho bất kỳ âm thanh nào thoát ra bên ngoài. Tai nghe có đệm hoặc tai nghe móc vào tai là lựa chọn an toàn hơn, vì chúng cho phép một số âm thanh phát ra ngoài.

Việc kiểm soát âm lượng cũng rất quan trọng. Bác sĩ Tian khuyên người dân không nên sử dụng bất kỳ loại tai nghe nào trong khi ngủ và họ cũng nên cho tai nghỉ ngơi 10 phút sau mỗi 50 phút sử dụng các phụ kiện nghe nhạc trong ngày.

Có thể thấy rằng tai nghe không dây và tai nghe nhét tai đã trở nên rất phổ biến cùng với điện thoại thông minh. Người dùng sử dụng chúng ở mọi nơi, để nghe nhạc, gọi điện thoại hoặc thậm chí là học tập.

Một số người cho biết họ sử dụng chúng khi ngủ để "học ngoại ngữ trong tiềm thức", dù điều này không được chứng minh về mặt khoa học. Những người dùng biện pháp này, tin rằng não có thể cảm nhận được âm thanh trong khi ngủ. Nhưng rõ ràng, các sự việc đã xảy ra cho thấy nghe âm thanh, cụ thể hơn là nghe nhạc khi ngủ, không phải là một ý tưởng hay.

Sự việc của Wang gần đây đã được chia sẻ rộng rãi ở Trung Quốc và được giới trẻ xem như một câu chuyện cảnh giác. Lấy trường hợp của Wang làm ví dụ, các bác sĩ khuyên mọi người nên tuân theo nguyên tắc ba số “60” để tránh gặp vấn đề về thính lực: không để tai tiếp xúc với môi trường có âm lượng vượt quá 60 decibel trong thời gian dài, không đeo tai nghe hoặc nghe nhạc lớn quá 60 phút, và khi sử dụng thiết bị điện tử phát âm thanh, hãy cố gắng giữ âm lượng dưới 60 phần trăm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục